Tai nạn đuối nước ở trẻ em: Cần cả “phòng” và “chống”

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chỉ còn ít ngày nữa là học sinh Hà Nội cùng cả nước bước vào những ngày nghỉ hè. Toàn xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình, tùy theo điều kiện của mình đều cố gắng dành những gì tốt nhất có thể để con em mình có một mùa hè thật thoải mái, bổ ích và lý thú.

Ở một khía cạnh khác, nghỉ hè cũng là thời gian trẻ tạm xa các hoạt động học tập, vui chơi và rèn luyện ở nhà trường, sự dạy dỗ của các thầy, cô giáo…, một trong những nhân tố rất quan trọng trong việc quản lý, chăm sóc trẻ bên cạnh gia đình, xã hội.

Điều đó cũng có nghĩa là nguy cơ về tai nạn đối với trẻ cũng tăng, trong đó tai nạn đuối nước là đáng quan tâm nhất.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6%; 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Điều đáng nói, đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè. Riêng trong 4 tháng hè năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 54 vụ tai nạn đuối nước, khiến 89 trẻ tử vong.

Năm 2022, dù mới chỉ vào đầu mùa hè nhưng trên cả nước đã liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, cả nước có ít nhất 14 trẻ em tử vong do đuối nước.

Tại nhiều địa phương như Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp, Bình Thuận, Nghệ An… xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến hàng chục trẻ em thiệt mạng.... Đa phần các nạn nhân đều là học sinh học cùng lớp, cùng độ tuổi hoặc ở cùng thôn, xóm. Có những vụ vô cùng thương tâm như ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ba chị em ruột cùng bị đuối nước tại hồ Ea Dhung Tiêng.

Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra những vụ trẻ đuối nước. Chiều 9/5, hai cháu bé cùng sinh năm 2011 ra hồ kè (thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà) tắm và bị đuối nước. Ngày 13/5, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở một đập nước trên địa bàn huyện Ba Vì, 3 em không may bị đuối nước.

Trước tình trạng đáng lo ngại trên, ngày 2/5 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 398/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng của Hà Nội cũng đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng, chống đuối nước để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ được quan tâm, nhắc nhở. Từ nhiều năm qua, hàng loạt biện pháp đã được quan tâm, thực hiện, đặc biệt là dạy bơi, rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu niên, nhi đồng.

Mặc dù vậy, đuối nước ở trẻ vẫn là một vấn nạn gây nhức nhối, nhất là mỗi vụ hè về. Thực tế trên đặt ra câu hỏi phải chăng chúng ta đang mới chỉ quan tâm đến các biện pháp “chống” mà chưa thực sự chú ý đến “phòng”.

Nói cách khác, các biện pháp ngăn chặn từ gốc để không xảy ra những tình huống trẻ có thể bị đuối nước, cụ thể là tạo môi trường an toàn, bảo vệ trẻ nhỏ không bị đuối nước chưa được chú ý đúng mức.

Thực tế ở nhiều nơi cho thấy đó là những việc tưởng như đơn giản nhưng lại rất có hiệu quả, nó có thể thay đổi ngay được hành vi của một đứa trẻ, thay đổi nhận thức của các vị phụ huynh, từ đó tạo ra một môi trường an toàn hơn. Đơn cử như việc làm hàng rào, ngăn trẻ tiếp xúc với nguồn nước, hay cắm một biển báo gần ao hồ, cảnh báo khu vực nước sâu, có nguy cơ xảy ra đuối nước...

Tuy nhiên, để làm được những việc tưởng như đơn giản ấy lại rất cần sự thay đổi nhận thức từ các cấp chính quyền đến mỗi cộng đồng, người dân về sự cần thiết và hiệu quả của những việc làm này.

Hy vọng với sự quan tâm đầy đủ cả “phòng” và “chống”, trong mùa hè này, nạn đuối nước ở trẻ em sẽ được ngăn chặn một cách hiệu quả hơn nữa.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần