Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Hội nghị quốc tế về An toàn giao thông tại Việt Nam năm 2012 diễn ra ngày 22/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm mạnh, số người chết giảm 17% so với cùng kì năm trước.

Tại Hội nghị này các đại biểu tập trung thảo luận 5 vấn đề chính: quản lý chung về an toàn giao thông đường bộ, hạ tầng giao thông đường bộ an toàn, phương tiện giao thông an toàn và thân thiện, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông; tập trung vào giải pháp cơ bản là: phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng vận tải hành khách công cộng và tổ chức giao thông.

Vì vậy, đến nay tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm mạnh, số người chết giảm 17% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, tình hình trật tự an toàn giao thông nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân và Nhà nước.

 
Tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm mạnh - Ảnh 1
 

Đoàn chủ trì Hội nghị Quốc tế về An toàn giao thông tại Việt Nam năm 2012

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tính bền vững vẫn là một thách thức lớn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý an toàn giao thông còn nhiều bất cập, hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển, phương tiện tham gia giao thông chưa đảm bảo, dịch vụ y tế ứng phó sau tai nạn còn rất hạn  chế… Hưởng ứng thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011-2020 do Liên Hợp Quốc phát động, Chính phủ Việt Nam cam kết đến 2020 giảm 50% số vụ người chết và bị thương vì tai nạn giao thông so với năm 2011.

Ông Des Myers, chuyên gia của Đức cho rằng, có nhiều kinh nghiệm về tổ chức giao thông ở Đức mà Việt Nam có thể áp dụng: “Kinh nghiệm của Đức là nghiên cứu từ những điểm đen, tai nạn giao thông trong quá khứ, sau đó sẽ đưa ra chính sách làm sao để cải tiến những điểm đen, tắc nghẽn giao thông. Đối với Việt Nam, xe đạp, xe máy lưu thông trên đường rất nhiều, tôi cho rằng ở Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm của châu Âu là tạo ra đường đi riêng cho xe đạp, xe máy, như thế sẽ đảm bảo an toàn và tránh được tai nạn giao thông. Chúng ta cũng cần sơn lại vạch đường, chia lại làn đường cho phù hợp”.

Tại đây, ông Gayle Di Pietro, Phó Giám đốc điều hành Tổ chức phi lợi nhuận Hợp tác An toàn Đường bộ Toàn cầu (GRSP) cho rằng, để giảm thiểu TNGT đường bộ, Việt Nam cần phải cung cấp các thông tin về ATGT, lập các bản đồ đánh giá TNGT hàng năm, các nhóm đối tượng gây tai nạn, đánh giá được các điểm đen, đánh giá thực hiện và cải thiện các biện pháp... Còn ông Manfred Breithaupt, chuyên gia giao thông cấp cao của Tổ chức Hỗ trợ kỹ thuật, Cộng hòa Liên bang Đức cho ý kiến, nếu muốn thay đổi tình trạng lộn xộn trong giao thông và quy hoạch đô thị, Việt Nam cần phải thay đổi cả về tư duy của những người đưa ra chính sách lẫn tư duy của người dân. Ngoài ra, chính quyền cần thường xuyên cùng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vận động, khuyến khích nhân viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng...
 
Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về mức độ gia tăng chóng mặt của các phương tiện, vì thế, cần phải sớm có Quỹ bảo trì đường bộ để duy tu, sửa chữa các tuyến đường; cùng với việc phải thành lập các trạm cân trên QL nhằm hạn chế xe quá khổ, quá tải. Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục đăng kiểm cho biết: tính đến 31/10/2012 trên cả nước đã có 1.514.913 phương tiện; tăng so với năm 2011 là 86.911 phương tiện tương đương 5,4%.