Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý I/2024, tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương có xu hướng tăng cao, tuy nhiên số người tử vong lại giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

Sáng 24/4, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024. Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chủ trì.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cho biết, quý I/2024, kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng, đồng thời tập trung nhiều đợt cao điểm về trật tự, ATGT tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, ATGT trong quý I/2024 về cơ bản được kiềm chế.

Ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo tại hội nghị.
Ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo tại hội nghị.

Trong quý I/2024 (từ ngày 15/12/2023 - 14/3/2024), toàn quốc xảy ra 6.550 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.194 vụ (22,3%), giảm 484 người chết (15,1%), tăng 1.847 người bị thương (54,3%). Về ùn tắc giao thông, quý I/2024 xảy ra 12 vụ. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 17 vụ (58,62%).

 

Tại Hà Nội, Công an thành phố, Sở GTVT đã triển khai hiệu quả kế hoạch đảm bảo trật tự, ATGT phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra xử lý 81.074 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 162 tỷ đồng; tạm giữ 11.415 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 6.553 trường hợp…

Cũng trong thời gian này, có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 11 địa phương giảm trên 30% số người chết là: Long An, Hậu Giang, Bình Thuận, Thái Nguyên, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Sơn La, Quảng Nam, Phú Thọ, Bình Phước. Đặc biệt, Long An, Hậu Giang, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do TNGT.

Còn 22 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2023, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là: Tiền Giang, Bến Tre, Điện Biên, Quảng Trị, Hưng Yên, Hà Giang, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Cà Mau. Trong đó, có 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% trở lên là: Hà Giang, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Cà Mau.

Đáng chú ý, trong quý I/2024 vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình như vụ TNGT ngày 23/1/2024 trên địa bàn Đà Nẵng làm 2 người tử vong, bị thương 20 người; vụ TNGT ngày 18/2/2024, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm 3 người chết, 2 người bị thương; vụ TNGT ngày 5/3/2024, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang làm 5 người chết, 9 người bị thương; vụ TNGT ngày 10/3/2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm 2 người chết và 9 người bị thương....

Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời; Vẫn còn tồn tại tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép; tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường; tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường, hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự, ATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự, ATGT còn hạn chế…

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường kiến nghị, Bộ GTVT cần xem xét, sửa đổi Quy chuẩn 41:2019/BGTVT theo hướng bổ sung các hệ thống an toàn giao thông để tăng tính nhận diện khu vực như: phối hợp các màu sắc cho vạch người đi bộ qua đường tại những khu vực trường học, bệnh viện… nhằm tăng tính nhận diện cho người điều khiển phương tiện góp phần đảm bảo ATGT.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường.
 

Cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ theo hướng phân biệt rõ giữa các loại hình vận tải, không để đơn vị vận tải và lái xe lợi dụng để “lách luật”; bổ sung loại hình vận tải mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân, phù hợp với tình hình trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo không thất thu thuế và quyền lợi hợp pháp của hành khách; cho phép thành phố Hà Nội tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường

Làm rõ trách nhiệm

Theo ông Lê Kim Thành, để đạt được mục tiêu tiếp tục kiềm chế và kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2023, trong quý II/2024, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ủy ban ATGT Quốc gia cần phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, trên cơ sở đó tham mưu, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Tổ chức đoàn kiểm tra và yêu cầu các địa phương có TNGT tăng trong quý I có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm TNGT trong quý II và cả năm 2024.

Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong quý I, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của các địa bàn, lĩnh vực để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Bộ GTVT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về ATGT; tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT gắn với chủ đề của Năm An toàn giao thông 2024; Chỉ đạo các Ban QLDA, Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư, bám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm...

Tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất; nắm bắt thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân. Duy trì ổn định vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí, ra vào bãi đỗ xe…

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Duy trì thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an trong lĩnh vực giao thông và hoàn thành dịch vụ thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an.

Rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức lại giao thông phù hợp tình hình thực tiễn, kiến nghị giải quyết các "điểm đen" tiềm ẩn nguy cơ tai nạn...

Ông Lê Kim Thành đặc biệt đề nghị địa phương ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ để khắc phục các "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường do địa phương quản lý. Tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự, ATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, kế hoạch năm ATGT 2024 của địa phương.