Tai nạn hay ý thức?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày nay, giới cầm bút trẻ đang rộ lên những ý kiến xung quanh câu chuyện “Tai nạn máy bay thời facebook” với những lời “tục” trong một đoạn văn ngắn miệt thị thế hệ Trường Sơn của tác giả Nguyễn Thế Kiên – tác giả đã có mặt trên Sân thơ trẻ trong Ngày thơ 2014 vừa qua.

Vừa tiếc nuối, vừa bức xúc, nhiều người nghi ngại: Đây là tai nạn thời facebook hay là ý thức của người viết trẻ?
Tác giả Nguyễn Thế Kiên
Tác giả Nguyễn Thế Kiên
Nguyễn Thế Kiên là người Nam Định đã xuất hiện trong Ngày Thơ, tại Sân thơ trẻ 2014 vừa qua tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Câu chuyện mang tên “Tai nạn máy bay thời Facebook” mà anh “quăng” lên trang mạng xã hội đại ý kể về một chàng “lơ lửng ở tuổi 43” đến một quán nước đầu năm mới và hẹn hò với một người quen trên mạng, nhưng cuối cùng hóa ra “người quen” đó lại là một người đàn bà thuộc thế hệ Trường Sơn. Sự việc đến đó chẳng có gì, nếu như văn phong sử dụng trong chuyện kể không thể hiện ý đồ thiếu tôn trọng những người đã vượt qua mưa bom bão đạn và có những đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Câu chuyện có thể có thật song cũng chẳng nên khoe khoang “như một chiến tích”, với giọng điệu vô cảm, thiếu đi sự chia sẻ. Không tiện và cũng không nên trích những câu chữ khá tục tĩu vào bài viết, song người ta không hiểu với việc kể lể “như có thật”, Nguyễn Thế Kiên có mục đích gì?

Việc nhiều người khá hồn nhiên “chém gió” bừa bãi trên mạng xã hội mà chưa lường hết những hệ lụy của nó lại càng đáng tiếc và đáng trách hơn. Dù chưa biết là vô tình hay cố ý, song chắc chắn việc mạo phạm cả một thế hệ là điều mà một tác giả không nên làm, đó là chưa kể đến Nguyễn Thế Kiên lại là cái tên được chọn là điển hình để giới thiệu trước công chúng trong diễn đàn thơ thường niên mà nhiều người trông đợi và kỳ vọng. Tuy nhiên, điều cần bàn hơn là ngay khi làng viết trẻ “om” lên, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ – người gắn bó với Sân thơ trẻ nhiều năm, đã góp ý nhẹ nhàng với Nguyễn Thế Kiên nhưng tác giả lại xóa tất cả những bình luận, trao đổi của Nguyễn Anh Vũ và “đẩy đuổi” những người không ủng hộ ý đồ của mình thay vì thẳng thắn trao đổi và giữ một thái độ cầu thị.

Nhà thơ Nguyễn Anh Vũ tỏ ra rất bất bình trước việc này: “Tôi nghi ngờ họ về nhân cách. Hy vọng đây chỉ là tai nạn chứ không phải là bản chất của tác giả và những người hoan hô cổ vũ. Nhiều người thấy hài hước nhưng tôi thấy thật buồn. Sao ngày càng thiếu đi sự tử tế...”.

Thế mới thấy, diễn đàn xã hội hay mạng facebook là công nghệ, là xu hướng của thời đại, nhưng không phải là “ngôi nhà riêng” để đưa lên đó bất cứ thứ ngôn ngữ hay kiểu suy nghĩ nào. Nhất là với những người làm nghề viết, những người sẽ là “người của công chúng”. Đây không phải là trường hợp “tai tiếng” hy hữu vì câu chữ trên Facebook, song, là một lời cảnh báo nữa cho những ai lạm dụng mạng xã hội.