Nguyên nhân hàng đầu
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm của Bộ Công an, cả nước ghi nhận 9 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk và Trà Vinh.
Về nguyên nhân, có 1 vụ do không chấp hành quy định về tốc độ (chiếm 11,11%); 2 vụ đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định (chiếm 22,22%); 6 vụ đang điều tra.
Số liệu này lại vừa tăng thêm khi chỉ trong tuần qua (từ ngày 11/7 – 16/7) liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng.
Ngày 11/7, một vụ TNGT liên hoàn giữa 3 ô tô diễn ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương khiến 2 người chết, 11 người bị thương.
Nguyên nhân ban đầu do tài xế xe khách và xe bán tải sau va chạm đã xuống giữa đường tranh luận. Đúng lúc này chiếc xe VF9 lao tới đâm vào đuôi xe khách gây nên tai nạn liên hoàn.
Ngày 16/7, một vụ tai nạn nghiêm trọng do xe tải BKS 88C - 288.49 va chạm xe tải BKS 29C - 597.75 ép xe máy vào thành cầu diễn ra tại ngã tư giao cắt giữa tuyến đường DH05 - Ba Chàng, thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội khiến 4 mẹ con đi trên xe máy tử vong tại chỗ.
Xác minh ban đầu tài xế xe tải biển số 88C - 288.49 dương tính với ma tuý, xe chở quá tải.
Ngoài ra, tem kiểm định trên xe ô tô gây tai nạn biển số 88C - 288.49 nhưng tem kiểm định lại ghi biển số 88C - 252.53. Tra trên hệ thống, xe biển số 88C - 252.53 đã hết hạn kiểm định từ ngày 24/6.
Từ hai vụ việc trên cho thấy, vấn đề TNGT phần lớn nguyên nhân đến từ ý thức của người tham gia giao thông. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu được Uỷ ban ATGT quốc gia chỉ rõ trong báo cáo tổng kết công tác ATGT 6 tháng đầu năm.
Theo đó, những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao. Hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý Nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm trật tự ATGT còn bất cập.
Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự ATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng.
Nêu cao tính tự giác
Theo kết quả phân tích TNGT đường bộ 6 tháng đầu năm của Văn phòng Bộ Công an, TNGT diễn ra trên tuyến quốc lộ chiếm 35,42%, đường huyện chiếm 21,17%, đường tỉnh chiếm 17,63%. Trong đó phương tiện mô tô xe máy dẫn đầu số vụ tai nạn chiếm 59,92%, tiếp đến là xe tải, rơ mooc và sơ mi rơ mooc chiếm 18,76%, xe con chiếm 12,42%.
Bàn về nhiệm vụ, phương hướng 6 tháng cuối năm, đại diện lãnh đạo các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung xử lý những nguyên nhân dẫn đến TNGT như nồng độ cồn, sử dụng chất cấm, vi phạm tốc độ, quá tải, đi không đúng làn đường, phần đường… Đây là các lỗi hầu hết do người điều khiển phương tiện.
Trong khi chờ Bộ Công an, Bộ GTVT hoàn thành việc xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành để sớm đưa Luật Trật tự ATGT đường bộ và Luật Đường bộ vào thực tiễn cuộc sống, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia Trần Lưu Quang yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải quan tâm hơn, chủ động hơn và quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng phải nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt phương tiện để phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn giao thông; tập trung cải thiện và quản lý tốt cơ sở hạ tầng.
Từ 2 vụ TNGT nghiêm trọng nêu trên, chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan cho rằng nếu ý thức của người điều khiển phương tiện tốt, chấp hành nghiêm quy định về ATGT thì tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra.
Bên cạnh việc tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh để chuyển biến ý thức của người dân, cần tập trung vào những đối tượng, địa bàn được xác định phức tạp, có nguy cơ xảy ra tai nạn cao và đặc biệt quan tâm tới các loại xe ben vận chuyển vật liệu xây dựng, đất đá. Đây đang là loại phương tiện có nguy cơ tiềm ẩn TNGT lớn.
Để việc kiểm tra được hiệu quả, thực chất, lực lượng thanh tra giao thông, CSGT phải thường xuyên kiểm tra tính an toàn của các loại phương tiện này khi đang hoạt động trên đường tránh việc khi kiểm định thì đảm bảo, nhưng khi hoạt động lại không đảm bảo. Vụ tai nạn nghiêm trọng và thương tâm tại Hoài Đức, Hà Nội chính là ví dụ.
Ngoài ra, có nhiều ý kiến góp ý việc tuyên truyền pháp luật về ATGT trong tình hình mới nên chú trọng vào nền tảng số và mạng xã hội.
Xây dựng thông điệp về ATGT gửi tới mỗi người dân mỗi sáng mở điện thoại hoặc tuyên truyền pháp luật về ATGT thông qua các KOLs là hình thức đổi mới có thể xem xét để gia tăng hiệu quả với người tham gia giao thông.
Bên cạnh giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương, và việc tuyên truyền pháp luật về ATGT thì hơn hết việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông vẫn là điều tự bản thân người điều khiển phương tiện phải để triệt để thực hiện nhằm chung tay kéo giảm tai nạn.