Một trong những điểm bất cập đang tồn tại xuất phát từ các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 nhưng chưa được Dự thảo BLDS sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo) có hướng sửa đổi đó là chỉ liệt kê tên mà không có quy phạm định nghĩa thế nào là tiền, thế nào là giấy tờ có giá. Điều này dẫn tới thực trạng một thuật ngữ nhưng có quá nhiều văn bản điều chỉnh, ví dụ như: Giấy tờ có giá được quy định đồng thời trong Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Nghị định 163, Công văn 141/TANDTC…
Điều 163, BLDS năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Nội dung này được kế thừa nguyên vẹn tại Điều 122 của Dự thảo. Định nghĩa về tài sản theo phương thức liệt kê là cách thức phổ biến mà rất nhiều quốc gia sử dụng như: Philippines, tiểu bang Louisiana (Mỹ), tỉnh bang Quesbec (Canada)…
Cách quy định này có ưu điểm là mang tính ứng dụng cao, hiệu quả tức thời. Nhưng cũng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế trên thực tế bởi liệt kê cụ thể thường có tính dự báo thấp, không bao quát được đầy đủ các trường hợp có thể phát sinh. Bên cạnh đó, “tài sản” được đánh giá có tính biến động rất cao, luôn thay đổi theo thời gian, phụ thuộc từng chế độ kinh tế. Tài sản được hiểu theo BLDS năm 2005 rất khó có khả năng áp dụng để xác định tính pháp lý của một số tranh chấp liên quan đến việc xác định tài sản ảo, bộ phận cơ thể người, tiền ảo bitcoin, thậm chí quan hệ khách hàng có phải là tài sản hay không?
Tài sản hiện nay được quy định trong chương X, chương XI, Phần hai “Tài sản và quyền sở hữu” của BLDS năm 2005, tuy nhiên, bên cạnh là đối tượng của quan hệ sở hữu, tài sản còn là đối tượng của hợp đồng, của quan hệ nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, việc Ban soạn thảo dịch chuyển vị trí quy định về vấn đề này lên chương VII, Phần thứ nhất của Dự thảo là hoàn toàn hợp logic.
Tuy nhiên, làm rõ nội hàm khái niệm này là điều không hề dễ dàng. Nếu chỉ hiểu thông qua việc khai thác công dụng của một đối tượng nào đó, mà nhu cầu của con người được đáp ứng, bất kể mong muốn về vật chất hay tinh thần, thì đó chính là tài sản là chưa đủ. Bởi tài sản còn phải đáp ứng được điều kiện “định giá được thành tiền” và “có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự”. Ví dụ: Bộ phận cơ thể người có giá trị nhưng pháp luật không cho phép định giá thành tiền, và nếu có sự chuyển chỉ được thông qua hình thức “hiến, tặng” nhằm mục đích nhân đạo hoặc nghiên cứu khoa học.
Một trong những điểm bất cập khác đang tồn tại xuất phát từ các quy định của BLDS năm 2005 nhưng chưa được Dự thảo có hướng sửa đổi đó là chỉ liệt kê tên mà không có quy phạm định nghĩa thế nào là tiền, thế nào là giấy tờ có giá. Điều này dẫn tới thực trạng một thuật ngữ nhưng có quá nhiều văn bản điều chỉnh, ví dụ như: Giấy tờ có giá được quy định đồng thời trong Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Nghị định 163, Công văn 141/TANDTC… Hoặc thậm chí tiền và giấy tờ có giá được quy định là cùng một đối tượng trong một số văn bản. Ví dụ như Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2003 quy định: “Tiền tệ là phương tiện thanh toán, bao gồm tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá như tiền”. Cần phải nói thêm rằng, mặc dù văn bản này đã hết hiệu lực từ năm 2011, nhưng trong một thời gian dài, cơ quan giải quyết tranh chấp về giấy tờ có giá vẫn “lúng túng” và vẫn vận dụng các quy định đó để giải quyết các vụ việc thực tế.
Lần đầu tiên vật được định nghĩa tại Điều 125 của Dự thảo, theo đó: “Vật được định hình ở dạng thể rắn, thể lỏng, thể khí và các dạng khác mà con người có thể nắm giữ, chi phối.” Tuy nhiên, điều luật này quá chú trọng vào việc mô tả định dạng vật lý của vật mà không đưa ra các dấu hiệu, đặc trưng nhận diện loại tài sản này so với những loại tài sản khác như tiền và giấy tờ có giá; bởi tiền và giấy tờ có giá cũng hoàn toàn đảm bảo được tính chất là được định hình ở dạng thể rắn và nằm trong khả năng nắm giữ, chi phối của con người.
Quyền tài sản được Dự thảo định nghĩa là: “Quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền khác...”. Ngoài dấu hiệu “trị giá được thành tiền” được kế thừa từ BLDS hiện hành; đặc trưng “có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự” đã được Dự thảo thay thế cho dấu hiệu “có thể được chuyển giao trong giao dịch dân sự”. Sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp vì có một số quyền tài sản có thể được chuyển giao như quyền đòi nợ nhưng cũng có những quyền tài sản không thể chuyển giao cho người khác như quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm… nhưng những quyền này vẫn mang lại lợi ích cho con người, vẫn có thể định giá được thành một khoản tiền.
Từ những phân tích trên có thể thấy, hiện nay, Ban soạn thảo Dự thảo nên lựa chọn một trong hai định hướng trong việc xây dựng những điều khoản liên quan đến tài sản: Thứ nhất, không chệch ra khỏi “đường ray” truyền thống, tài sản vẫn được định nghĩa theo hướng liệt kê như hiện nay thì Dự thảo cần bổ sung những khái niệm liên quan như tiền, giấy tờ có giá. Hoặc Dự thảo vẫn quy định về tài sản nhưng theo phương thức khái quát, tức là chỉ ra những dấu hiệu, những đặc tính đặc trưng giúp nhận diện ra tài sản. Theo đó, tài sản có thể được định nghĩa: “Tài sản là bộ phận của thế giới vật chất hữu hình, hoặc vô hình, có giá trị, định giá thành tiền và có thể là đối tượng của quan hệ dân sự.” Thứ hai, Dự thảo có thể học tập theo cách quy định về tài sản của một số quốc gia như Pháp, Đức theo hướng không đưa ra định nghĩa về tài sản trong BLDS, thay vào đó, BLDS điều chỉnh vấn đề này thông qua các tiêu chí để phân loại và ban hành quy chế pháp lý riêng thật phù hợp.
Luật sư tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân tại tỉnh Nghệ An.
|