Nhất là khi, loài Bách Diệp bung màu hồng tao nhã, e ấp trong đám lá ngọc bích mướt xanh, khiến một góc Hồ Tây dịu dàng trong hương thơm tinh khiết… Sen nay đã bắt nhịp với cuộc sống đô thị hóa, hòa mình vào nhịp điệu hối hả của lối sống hiện đại, song nó vẫn là một góc thương nhớ, một thứ “tài sản” mang hương sắc Hà thành không thể phôi phai trong lòng người Hà Nội.
“Tài sản” mang sắc hương Hà thành
Năm nào cũng vậy, cứ độ này là y như rằng, ông bạn từ thuở thiếu thời với đủ trò tinh nghịch nơi ngõ Tạm Thương, lại thẽ thọt ở đầu bên kia điện thoại: “Sen nở rồi đấy! Mai hẹn nhau lúc 5 giờ ở Hồ Tây nhé!”. Đúng là người Hà Nội, chẳng mấy ai không nhớ sen Bách Diệp - loài sen cánh kép vốn là đặc sản của vùng Tây Hồ, thường bắt đầu nở từ giữa tháng 5, rộ nhất vào tháng 6 và tháng 7, cho đến hết tháng 8.
Tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày xưa cũ, chúng tôi cuốc bộ lên đầm sen Tây Hồ chỉ để… đố nhau đếm cánh và nhụy sen. Khi ấy con đường chạy quanh Hồ Tây và hồ Trúc Bạch đâu đã có, nhà cửa, quán xá cũng chưa san sát như bây giờ.
Chẳng biết có phải vì độ ấy còn nhỏ, nên bông sen Bách Diệp trong nỗi nhớ mênh mang của tôi cho đến giờ vẫn cứ “khổng lồ” đến thế, xòe căng hai bàn tay cũng không đủ bao hết một bông hoa. Chúng tôi đã đếm không phải 2 - 3 lần, mà dễ đến 10 lần để “chắc ăn” rằng mỗi bông sen ở Hồ Tây có khoảng 100 cánh và khoảng 400 nhụy. Hoa nở căng hết cỡ cũng không nhìn thấy đài vì cánh và nhụy dày che lấp hết. Còn hương thơm của nó thì là nỗi nhớ in hằn muôn đời không phai nhạt - mùi hương thanh tao, ngọt ngào, luyến lưu đến khó tả…
Vì mùi hương tinh khiết ấy, vì sắc hồng hây hây ấy, mà mùa sen năm nào hai ông già “thất thập cổ lai hi” cứ phải đi vòng Hồ Tây, uống trà sen bên hồ Thúy Sứ cho thỏa niềm hoài cổ.
Ông bạn tôi tâm đắc lắm: “Giống như một vùng đất dành riêng cho loài hoa này, những bông sen Hồ Tây được nuôi dưỡng bởi tinh túy trời đất nơi “địa linh”, nên có hương sắc đặc biệt hơn hẳn sen của những vùng đất khác”.
Thế nên những năm xưa, nghệ nhân ở Quảng An, Nhật Tân cứ chọn độ này để hái sen về ướp trà. Tờ mờ sáng, khi đất trời còn nồng vị sương mai, người ta đã chèo con thuyền nhỏ len trong những lá sen xanh mát ra giữa hồ, thu lượm những đóa sen hàm tiếu còn ủ hương suốt đêm. Nghe nói, ướp được 1 cân trà sen thành phẩm, người ta phải cần đến 1.500 bông hoa và phải trong 18 ngày mới hoàn thiện được một mẻ trà. Chả trách, trà sen chính hiệu Hồ Tây xưa nay quý và hiếm là thế!
Còn nhớ trước kia, Hồ Tây mênh mông cho sen thỏa sức tỏa lan theo “ý muốn” tự nhiên của loài hoa quý ấy; nay thì các đầm sen đã bị thu hẹp đáng kể do nhu cầu mở rộng đất ở đô thị. Cũng may, quận Tây Hồ vẫn còn gắng gỏi giữ lấy thứ tài sản mang đậm sắc hương Hà thành này khi “ấn định” hai khu vực chính trồng sen gồm 16ha ở phường Quảng An và 10ha ở phường Nhật Tân. Trong đó, phường Quảng An có 4 đầm cho sen tỏa sắc hương là Đầm Trị, hồ Thủy Sứ, hồ Đầu Đồng và Ao Chùa.
Riêng hồ Thủy Sứ với 4ha mặt nước dành trồng sen Bách Diệp đã hình thành một không gian văn hóa cho những người thương nhớ trà sen đến thưởng lãm. Và cho dù hiện nay, sản lượng, diện tích trồng sen không thể tăng, nghề ướp trà sen cũng chưa đủ điều kiện trở thành làng nghề, song nghệ nhân làm trà sen Quảng An vẫn luôn tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống đã làm nên bản sắc của một vùng đất ven Hồ Tây huyền thoại.
Cho hôm nay và mai sau
Cùng với sự phát triển của đời sống đô thị, giống sen Bách Diệp quý giá của vùng Tây Hồ đã “bén duyên” ở nhiều vùng đất khác, trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế của bà con vùng ngoại thành. Ví như ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 200ha, sen trải dài ở nhiều thôn, bám sông, núi, kênh rạch, có những đầm sen sát chân núi rộng vài chục hecta. Rồi mô hình trồng sen tại xã Hồng Dương, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai không chỉ mang đến thu nhập cho người nông dân, mà còn mang đến cho miền quê này một sức sống mới, diện mạo trù phú và thúc đẩy du lịch địa phương.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện Thủ đô có tới gần ngàn hecta sen rải rác ở khắp các quận, huyện, thị xã, trong đó, sen trồng tập trung theo vùng chuyên canh khoảng gần 400ha. Và tiềm năng để xây dựng vùng sen tập trung quy mô lớn ở các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa… vẫn còn đầy hứa hẹn.
Rõ là người Hà Nội xưa hay nay thì vẫn yêu sen một cách thật thà. Sen cũng đã bắt nhịp với cuộc sống đô thị hóa, hòa mình vào nhịp điệu hối hả của lối sống hiện đại khi thích nghi với thổ nhưỡng nhiều vùng đồng đất Hà Nội. Nhưng để những đầm sen đậm đà sắc hương thực sự trở thành điểm đến của du lịch Thủ đô, thực sự là nhân tố để phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên gia nói đúng, Hà Nội cần hình thành mô hình làng nghề sen như nhiều làng nghề truyền thống khác, kết hợp giữa sản xuất và du lịch để đa dạng hóa sản phẩm.
Ông bạn tôi thêm lời khi câu chuyện về tương lai của sen đang hồi rôm rả: “Có làng nghề sen cũng thêm một nét độc đáo trong bộ sản phẩm OCOP trong quá trình xây dựng nông thôn mới của các huyện. Đích hướng đến chính là ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng làng nghề sen gắn giữa sản xuất với du lịch, tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm từ sen”.
Và dù sen đã hòa nhịp vào cuộc sống đô thị hóa, song sen vẫn là một dấu ấn của sắc hương Hà Nội, không chỉ trong tiềm thức của người Hà Nội. Thế nên Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 nhất định chọn những con phố thơ mộng, lãng đãng sương bên Hồ Tây lộng gió để dừng chân và đón chào du khách. Mục đích của lễ hội không gì khác là “khoe” những nét đẹp, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của sen - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt.
Diễn ra trong 5 ngày (từ 12 đến 16/7/2024) tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612 Lạc Long Quân), ở đây giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen, những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống người Việt.
Sen đã hội tụ trong nó đủ những câu chuyện để kể và tự hào về một tài sản mang sắc hương Hà Nội. Một lễ hội sen bài bản được diễn ra trong không gian thơ mộng vốn là mảnh đất cội nguồn của sen, chắc chắn sẽ nuôi lớn hoài niệm, nâng tầm sen Hà Nội trong đời sống hôm nay. Và đó chắc chắn sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho tương lai của thứ “tài sản” đậm hương sắc của đất và người Thăng Long xưa - Hà Nội nay.