Đối thoại tại nơi làm việc: Vừa ít, vừa thiếu thực chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối thoại tại nơi làm việc giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đảm bảo quyền lợi hai bên. Song, hoạt động này chưa được nhiều DN thực hiện.

Tạo niềm tin cho người lao động

Thông qua đối thoại định kỳ (hoặc đột xuất) sẽ tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong SXKD, cũng như những giải pháp để thực hiện tốt hơn lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động. Tại cuộc bàn tròn về vấn đề này mới đây, ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương thông tin: Trong số 120 DN được khảo sát chỉ có 30% thực hiện định kỳ mỗi tháng/lần, số còn lại tổ chức đối thoại 3 tháng đến một năm/lần. Đáng lưu ý, số DN tổ chức đối thoại một tháng/lần chủ yếu tham gia vào chương trình Betterwork.
Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. 	Ảnh: Công Hùng
Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Công Hùng
Những vấn đề được DN trao đổi nhiều nhất tại các cuộc đối thoại là tình hình SXKD của DN; tiền lương, tiền thưởng; chế độ phúc lợi cho NLĐ; chế độ an toàn, vệ sinh lao động. Thông qua đối thoại hàng tháng, Công ty LIHITLAB Việt Nam giải quyết tốt các chế độ quyền lợi của NLĐ, lực lượng lao động khá ổn định. Cụ thể, năm 2015, lao động tăng 64% so với năm 2010, tiền lương của NLĐ đạt bình quân 5,3 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH KEFICO Việt Nam thực hiện tốt đối thoại định kỳ đã tạo được niềm tin của NLĐ: 6 tháng đầu năm 2015, lao động tăng 15%, trong khi số lao động nghỉ việc, thôi việc giảm 28%; tiền lương và thu nhập của NLĐ được cải thiện đáng kể. Qua đối thoại, Công ty Mabuchi Motor giải quyết kịp thời các kiến nghị của NLĐ, ngăn chặn được tranh chấp lao động và đình công từ nhiều năm nay.

Cần hướng dẫn chi tiết

Bên cạnh số ít DN thực hiện tốt đối thoại tại nơi làm việc, nhiều DN không duy trì được định kỳ là do còn lúng túng trong việc xác định nội dung đối thoại, phân công trách nhiệm của các bên chuẩn bị nội dung, thành phần tham gia thiếu linh hoạt. Chia sẻ về những vướng mắc trong thực hiện đối thoại định kỳ, phần lớn các DN cho rằng, một năm tiến hành 4 lần là nhiều vì họ không bố trí được thời gian hoặc chủ đề để đối thoại. Hơn nữa, tại các cuộc đối thoại định kỳ và hội nghị NLĐ, ý kiến của đại diện NLĐ mới chỉ tập trung vào giải quyết các quyền lợi cho NLĐ thay vì quan tâm đến các giải pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả SXKD cho DN. Một số DN còn nhầm lẫn giữa nội dung đối thoại với thương lượng. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực hiện đối thoại tại nơi làm việc bắt buộc sẽ làm tăng chi phí cho DN (bố trí thời gian, địa điểm, điều kiện vật chất cho đối thoại). Hơn nữa, thông tin chia sẻ với NLĐ đến mức nào để không lộ bí mật kinh doanh và công nghệ cũng là thách thức với DN.

Để hoạt động đối thoại tại nơi làm việc trở thành thường xuyên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết: “Ngoài những nội dung quy định về đối thoại tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động năm 2012, tới đây, chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm về việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn. Các địa phương, ngành lao động, ban quản lý khu công nghiệp, công đoàn cần tuyên truyền người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm cần phải đối thoại. Về phía tổ chức công đoàn thì tập huấn kỹ năng thương lượng cho cán bộ của mình”.

Theo ông Huân, có thể DN cho rằng đối thoại tại nơi làm việc chưa thiết thực, nhưng nghĩ đến mối quan hệ hài hòa giữa hai bên, đề ra chiến lược phát triển rõ ràng thì việc chia sẻ thông tin là hết sức quan trọng. Hơn nữa, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, DN không chỉ chú ý đến chất lượng, giá cả mà phải tôn trọng những người sản xuất sản phẩm đó. Đó chính là yếu tố thúc đẩy DN phải tuân thủ hơn nữa các quy định của pháp luật, trong đó có đối thoại tại nơi làm việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần