Friday, 08:54 04/01/2019
Tại sao chứng khoán 2018 không như kỳ vọng?
Kinhtedothi - Dựa vào đà tăng năm 2017, không ít nhà phân tích thị trường cho rằng Vn-Index tiếp tục bùng nổ trong năm 2018. Nhưng chốt mức 892,54 điểm phiên cuối cùng 2018, Vn-Index giảm 10,27% so với 2017. Thực tế này có nguyên nhân từ bên ngoài, nhưng nguyên nhân nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là chủ yếu.
Kỳ vọng thái quá?Cảm nhận các yếu tố vĩ mô tiếp tục thuận lợi, không ít chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, năm 2018 VN-Index tiếp đà tăng và bùng nổ. Nhiều kịch bản đã được đưa ra và đều cho rằng Vn-Index sẽ tiếp tục tăng ở mức hai con số, đặc biệt đại gia bất động sản (BĐS) Trịnh Văn Quyết cho rằng, Vn-Index tiến đến mốc 2.000 điểm (tăng hơn 100%) là có thể xảy ra.Sau cơn địa chấn chứng khoán những năm 2007 - 2008 và ảm đạm kéo dài đến 2011,Vn-Index quay đầu tăng trở lại từ năm 2012 (17,7%) và 2013 (23%), 2014 (8,13%), 2015 (6,1%), 2016 (14,8%), 2017 (48,03%). Tốc độ tăng của Vn-Index năm 2017 đã gấp hơn 3 lần năm trước liền kề và gấp 8 lần năm trước nữa. Đây là tốc độ tăng “nóng” so với tăng trưởng GDP nói chung và công ty niêm yết nói riêng. Thực tế sôi động trên thị trường chứng khoán những tháng cuối năm 2017 dường như có dấu hiệu lặp lại giai đoạn 2006 và đầu năm 2007. Nguyên lý của đầu tư cổ phiếu là đầu tư theo giá trị. Mặt khác, đầu tư cổ phiếu là kênh đầu tư rủi ro cao, đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận phải cao hơn tỷ suất lợi nhuận gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhưng căn cứ báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017, các công ty chứng khoán tính được tỷ số P/E (giá thị trường trên lợi nhuận sau thuế chia cho mỗi cổ phiếu) của cổ phiếu tại thời điểm cuối năm đã xấp xỉ 18, tức tỷ số E/P chỉ đạt bình quân là 5,5%/ năm. Trong khi cùng thời điểm, tỷ suất lợi nhuận gửi tiết kiệm ngân hàng đang giao động từ 6,2 - 6,5%/năm. Điều đó cho thấy, thị trường cổ phiếu đang bị định giá đắt, dĩ nhiên tiềm ẩn rủi ro. Bong bóng và tụt dốcTiếp đà tăng 2017, bước sang quý I/2018 Vn-Index liên tục lao theo mốc điểm kỳ vọng, dường như đã được lập trình sẵn trong tư duy hưng phấn của thị trường. Sau khi cán mốc 1.102 điểm (23/2), một tháng sau đó Vn-Index nhảy cóc lên 1.172 điểm, tái mốc lịch sử trước đó 11 năm (1.170 điểm – ngày 12/3/2007). Vẫn đà tăng, chưa đến 10 ngày tiếp theo (9/4) Vn-Index tăng vọt lên mốc 1.204 điểm, tăng 23,2% so với đầu năm. Dù vậy, với một nhà đầu tư bình tĩnh và tỉnh táo thì đây là ngưỡng quá rủi ro. Bởi vì, nếu tiếp tục bài tính tỷ số P/E như ở trên thì lúc này giá cổ phiếu đã bị thổi lên quá nóng, hiện tượng bong bóng là khá rõ ràng. Khi bong bóng căng quá mức chịu đựng đương nhiên nó sẽ xì, thậm chí nổ. Quả thực như vậy, ngay sau phiên đạt mốc đỉnh điểm, Vn-Index liên tục lao dốc. Hưng phấn của thị trường bị tắt dần và chuyển sang trạng thái tâm lý thất vọng. Lúc này thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo, chẳng hạn cuộc bán tháo trong phiên 19/4 làm cho Vn-Index giảm đến 3,86%. Mức giảm sâu nhất của Vn-Index được ghi nhận vào phiên 11/7, còn 893 điểm, tụt đến 34,8% so với phiên đỉnh điểm 9/4. Dù thị trường cố vực dậy vào một số thời điểm nhất định, song Vn-Index trồi lên lại sụt xuống. Đặc biệt, sự tụt dốc liên tục 11/12 phiên cuối, từ ngày 13/12 đã chấm hết mọi kỳ vọng Vn-Index sẽ tăng trong năm 2018.
Khách hàng giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
VN-Index giảm gần 14 điểm, chứng khoán đỏ sànThị trường chứng khoán (TTCK) phiên làm việc thứ 2 của năm 2019 vẫn diễn ra không mấy suôn sẻ khi các chỉ số không có sự cải thiện. Áp lực bán mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã kéo VN-Index lao dốc gần 14 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,53 điểm (-1,52%) xuống còn 878,22 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 223 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,15 điểm (-2,09%) xuống 100,52 điểm. Toàn sàn có 37 mã tăng, 103 mã giảm và 39 mã đứng giá.Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ những diễn biến xấu này. Các mã ACB, BID, CTG, MBB, STB, TCB, TPB hay VPB đều giảm sâu. BID mất đến 4,5% xuống 32.000 đồng/CP, ACB giảm 3,8% xuống 28.100 đồng/CP, CTG giảm 4,7% xuống 18.100 đồng/CP, MBB giảm 4,4% xuống 18.500 đồng/CP. Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như GAS, HPG, KDC, MWG, PNJ, VRE… cùng giảm rất sâu. Thanh khoản thị trường vẫn rất yếu, với tổng khối lượng giao dịch đạt 190 triệu cổ phiếu, trị giá gần 3.900 tỷ đồng. (Hà Lâm) |