Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại sao chúng ta cần ăn ít natri hơn

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedot - Natri là một thành phần thiết yếu của muối (natri chloride - NaCl), đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể.

Khoáng chất này giúp điều chỉnh lượng máu, truyền xung thần kinh và co bóp các sợi cơ, cùng nhiều chức năng khác. Nhưng chúng ta chỉ cần khoảng 500mg natri mỗi ngày để tồn tại.

Chưa có nghiên cứu dịch tễ về việc dùng muối ăn ở Việt Nam, nhưng số liệu ở Mỹ cho biết người dân ở đây trung bình tiêu thụ gần gấp 7 lần con số đó.

Natri dư thừa có thể gây hại cho sức khỏe của bạn như thế nào? Nếu ăn mặn dư thừa natri, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giữ nước để pha loãng lượng natri dư thừa. Kết quả là lượng chất lỏng trong mạch máu tăng lên. Điều đó làm tăng áp lực bên trong mạch máu.

Tiến sĩ Katherine Sakmar, trợ lý giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết: “Natri cao cũng có thể kích thích các hormone khiến mạch máu co lại, từ đó làm tăng huyết áp”. Theo thời gian, huyết áp cao làm căng tim, khiến buồng bơm chính (tâm thất trái) dày lên, làm tăng nguy cơ suy tim.

Nồng độ natri rất cao cũng có thể làm hỏng lớp trong cùng của mạch máu, tạo điều kiện cho sự tích tụ các mảng mỡ (xơ vữa động mạch). Theo một đánh giá năm 2020 trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ, lượng natri dư thừa có thể dẫn đến sự sai lệch trong phản ứng nội tiết tố và viêm của cơ thể, có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch, chuyển hóa chất béo và chức năng thận của bạn. Những hậu quả lâu dài tiềm ẩn bao gồm tổn thương không chỉ ở tim mà còn cả thận và não.

Các chuyên gia y tế đã kêu gọi người Mỹ cắt giảm natri trong nhiều năm qua. Hơn hai thập kỷ trước, thử nghiệm mang tính bước ngoặt về phương pháp ăn kiêng để ngăn chặn tăng huyết áp (DASH) đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng việc giảm natri trong chế độ ăn có thể làm giảm huyết áp. Ngoài ra, quá nhiều natri có thể gây ra những tác động bất lợi khác.

Nhiều nghiên cứu củng cố lợi ích của việc cắt giảm lượng muối, bao gồm một nghiên cứu gần đây xem xét các dấu ấn sinh học tim mạch (chất phản ánh sức khỏe của tim) trong các mẫu máu được lưu trữ từ thử nghiệm DASH ban đầu.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn kiêng này dần dần làm giảm các dấu hiệu sinh học gây tổn thương tim và căng thẳng trong suốt quá trình nghiên cứu kéo dài ba tháng.

Một nghiên cứu khác, theo dõi gần 177.000 người trong gần 12 năm, phát hiện ra rằng những người hiếm khi hoặc không bao giờ thêm muối vào thức ăn có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn so với những người thường xuyên cho muối vào thức ăn.

Tiến sĩ Katherine Sakmar, bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts trực thuộc Harvard, cho biết: “Tôi chắc chắn nói với các bệnh nhân bị huyết áp cao của mình hãy chú ý đến lượng muối họ ăn và tôi đưa ra các phiên bản của chế độ ăn DASH”.

Chế độ ăn DASH nhấn mạnh đến ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít béo cũng như cá, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt và dầu tốt cho sức khỏe. Thực hiện theo chế độ ăn kiêng này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu natri hàng ngày dưới 2.300mg mỗi ngày, đây là lượng được khuyến nghị bởi Tổ chức Y tế Thế giới - WHO.

Mọi người cũng nên chú ý đến nhãn thực phẩm chế biến sẵn vì rất có thể nó có hàm lượng natri cao. Các loại thịt đã qua chế biến như thịt nguội cũng chưa nhiều muối. Muối natri còn xuất hiện trong thành phần của nhiều hỗn hợp gia vị phổ biến và một số còn chứa chất tăng cường bột ngọt.