Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại sao lái xe công nghệ chưa được đóng bảo hiểm xã hội?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, trên báo chí và trong diễn đàn ở Quốc hội, chuyện lái xe công nghệ chưa được tham gia bảo hiểm xã hội được bàn luận nhiều.

 Đây là vấn đề khiến nhiều người ngạc nhiên, vì lực lượng lao động này là một nghề hẳn hoi, rất đông đảo, có vai trò nhất định trong xã hội.

Trên báo cho biết, hiện cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ, bao gồm cả xe máy và ô tô, phần lớn tuổi từ 25 - 35. Nhưng trong số đó, mới chỉ có khoảng 7% số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tìm hiểu thêm thì được biết, những người lao động này không có hợp đồng lao động với công ty thuê họ, và người lao động chỉ được xem là cộng tác viên, người làm theo thời vụ…

Tuy nhiên như một đại biểu Quốc hội nói: “Người giao hàng, xe ôm, taxi công nghệ đều làm việc theo dạng hợp đồng liên kết với công ty công nghệ. Đây là một dạng lao động làm việc theo hợp đồng chứ không phải lao động tự do”.

Các đại biểu khác cũng cho rằng: “Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay là 32% tiền lương của lao động, trong đó lao động đóng 10,5%, DN đóng 21,5%. Lái xe công nghệ đang mang lại quyền lợi cho các công ty nên cần quy định trong dự luật”.

Nhiều người lái xe công nghệ tâm sự rằng, họ đang làm công việc chuyên nghiệp; chủ thuê họ là các công ty có đăng ký kinh doanh, có lợi nhuận… Vậy tại sao họ không được đóng bảo hiểm xã hội, đứng bên lề an sinh xã hội?

Đây có phải là là lỗ hổng của pháp luật, khi người lao động nhân việc lái xe công nghệ rõ ràng là phải có sự ký kết dưới hình thức nào đó không phải là thỏa thuận miệng? Cũng rõ ràng, các công ty vận tải công nghệ đã sử dụng số lượng lao động lớn và có doanh thu trong thời gian dài…

Hiện, các công ty vận tải công nghệ không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tức là họ đã có thêm một khoản tiền khổng lồ. Trái lại, người lao động trong ngành vận tải này đã có cuộc sống vốn thiếu tính ổn định về thu nhập nay lại càng bấp bênh hơn khi về lâu dài họ không có sổ hưu cùng những chế độ khác.

Đang có lý lẽ: người lao động vận tải công nghệ (taxi, xe máy) thường chỉ làm thời vụ, khi thất nghiệp, nên không đóng bảo hiểm cho họ là hợp lý.

Đây là suy nghĩ không đúng. Bởi, khi công ty sử dụng người lao động nên bảo đảm quyền lợi cho họ. Nếu thấy cần thiết, cần có hợp đồng lao động, nếu người làm có thời gian 3 tháng trở lên là phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho họ.

Vậy trong 200.000 ngàn người lái xe công nghệ, tỷ lệ làm trên 3 tháng là bao nhiêu?

Một lái xe tâm sự: “Tôi lái xe công nghệ nay đã được 3 năm. Nay làm nghề quen rồi, nghề cũ cũng thui chột nên còn phải chạy xe tiếp tục thôi”.

Người này cho biết, thu nhập trước kia của anh khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng, sống tương đối ổn. Nay, do nhiều người đi làm lái xe nên sự cạnh tranh tăng lên, anh chỉ thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính khấu hao xe cộ…

“Cuộc sống như vậy mà không có bảo hiểm xã hội thì thì bấp bênh, nhất là tuổi ngày càng cao, sức khỏe càng yếu” - anh băn khoăn.

Hy vọng rằng, những người lái xe công nghệ sẽ được Nhà nước xem xét đóng bảo hiểm xã hội như các lao động thuộc nhiều ngành nghề khác.