Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại sao người dân bán sổ bảo hiểm?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã vậy, họ còn bán rất rẻ, chỉ bằng một nửa giá trị thực. Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) được coi như “cầu thang vịn” cho mọi người nhất là lúc về già, sức lao động không còn.


Thế nhưng không ít người đã tự tay chặt bỏ tay vịn cầu thang của mình, để rồi tương lai sẽ rất khó khăn khi phải lao ngược dốc không có gì để hỗ trợ.

Không nói cũng biết, người cần bán sổ BHXH đều là công nhân lao động khó khăn, cần tiền trong khi bị mất việc làm.

Trên báo chí cho biết, phần lớn công nhân bán sổ BHXH tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Thọ… Họ “thanh lý” sổ bảo hiểm vì cần món tiền từ 5 - 20 triệu đồng, mức giá bán sổ chỉ được 30 - 50% giá trị thực. Chỉ riêng tỉnh Thái Bình, theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh này, giai đoạn 2020 - 2022 có trên 85.000 sổ bị thu gom, mua bán.

Như vậy, với mục đích của BHXH là an sinh cho người lao động, an sinh cho xã hội, việc bán sổ bảo hiểm đã làm mục đích này không trở thành hiện thực.

Chúng ta cũng dự báo được, người lao động nghèo vốn khó khăn, việc có thêm số tiền dăm mười triệu đồng cũng chỉ như muối bỏ bể và cuộc sống khó khăn hiển hiện trước mắt.

Theo quy định hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho người lao động để theo dõi việc đóng - hưởng, là cơ sở giải quyết chế độ cho lao động. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.

Điều quan trọng, việc mua bán sổ BHXH đã bị cấm, đã có biện pháp chế tài nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến, ở nhiều nơi?

Chúng tôi theo dõi trên mạng xã hội và được biết, những nơi rao mua sổ BHXH không ngần ngại mua: sổ bị lỗi, sổ chưa được chốt, sổ thiếu tờ bìa… Nghĩa là những sổ đang bị lỗi này, lỗi nọ gây khó khăn cho người lao động sở hữu nó khi đi làm thủ tục chốt sổ hay rút tiền nhưng có vẻ “không là vấn đề” đối với người mua. Tại sao vậy?

Một mặt, người lao động phải hết sức cân nhắc khi bán sổ BHXH. Việc thiệt thòi trước mắt là đã rõ; về lâu dài, người lao động bị thiệt thòi nhiều hơn khi không còn chỗ dựa vào tuổi già, sức lao động cạn kiệt.
Mặt khác, các cơ quan BHXH cũng nên rà soát lại hệ thống của mình, để xem có hay không chuyện người lao động gặp khó khăn trong chốt sổ bảo hiểm, xin rút tiền một lần…

Một độc giả phản ánh trên báo chí rằng, anh bị công ty cũ nợ bảo hiểm 3 năm, công ty mới nợ 6 tháng. Nhưng khi anh gọi lên công ty bảo hiểm thì không ai nghe máy. Có chuyện đó không?

Một người khác có ý kiến khá xác đáng: nếu người lao động vì cần tiền mà phải bán sổ BHXH thì cơ quan bảo hiểm nên tạo điều kiện cho họ rút tiền, tránh thiệt thòi về phía người nghèo, lợi nhuận béo bở cho những kẻ mua sổ bảo hiểm.

Mong rằng, cơ quan bảo hiểm một mặt tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người lao động, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc tham gia, hay tạm dừng tham gia… đóng BHXH.