Tại sao vấn nạn bảo kê vẫn hoành hành?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo kê là một hình thức cưỡng đoạt tài sản, là tội phạm cần ngăn chặn. Vấn đề đặt ra là vì sao hoạt động bảo kê vẫn tồn tại, dù không khó để phát hiện?

Bảo kê len lỏi nhiều nơi, nhiều dịch vụ

Ngày 30/11/2021 vừa qua, TAND huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo về hành vi cưỡng đoạt tài sản trong vụ bảo kê chợ tự phát do Lý Thị Loan (biệt danh Loan “cá”, 40 tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai) cầm đầu. Theo cáo trạng, từ tháng 3/2019 đến 5/2020, Loan giao cho Trần Công Đại (23 tuổi, trú tại Cần Thơ), Hoàng Thị Tuyết Nhung (36 tuổi) và Vũ Minh Tiến (35 tuổi, cùng trú tại Đồng Nai) thu tiền những người buôn bán tại chợ tự phát xung quanh Công ty Changshing.
Các tiểu thương phải đóng tiền cho nhóm này từ 5.000 - 30.000 đồng/ngày, nếu không sẽ bị chửi bới, đe dọa không cho bán hoặc đập phá hàng hóa. Quá trình điều tra xác định, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 128 triệu đồng của 40 tiểu thương tại đây... Dự kiến tòa tuyên phạt mức án đối với các bị cáo vào ngày 6/12 tới.
Ngày 20/7/2021, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong đường dây bảo kê logo “xe vua” tại Hà Nội về 2 tội “Đưa hối hộ” và “Nhận hối lộ”. Trong vụ án này, có 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra giao thông bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng. Quá trình thẩm vấn, các bị cáo đều thừa nhận có việc đưa và nhận tiền của nhau để thực hiện hành vi “bảo kê” cho những chiếc xe chở hàng của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Vận tải Tuấn Vinh lưu thông trên đường được thuận tiện.
Các bị cáo tại phiên tòa đường dây bảo kê logo ''xe vua'' tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Kiên
Không những “làm luật” ở các chợ, đường giao thông, các đối tượng còn “làm luật” ở những lĩnh vực dịch vụ nhạy cảm. Từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “nhuệ”, trú tại Thái Bình) tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội Tang lễ Thái Bình, dùng nhiều thủ đoạn để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ. Với mỗi ca hỏa táng, vợ chồng Đường cùng đàn em thu 500.000 đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định Đường “nhuệ” và đồng phạm đã cưỡng đoạt tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Chưa ngăn chặn quyết liệt?

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, bảo kê lâu nay thường được hiểu là muốn sinh sống làm ăn yên ổn tại một nơi nào đó thì phải trả tiền cho người được coi là nắm giữ địa bàn ở đó. Số tiền đó thường được gọi là “phí bảo kê”, nếu không chịu trả khoản phí này thì sớm muộn cũng sẽ có người đến gây khó dễ để ép phải bỏ tiền ra. Người có quyền thu tiền bảo kê là kẻ có “máu mặt” ở địa bàn đó, nhiều đàn em, thế lực mạnh và có thể có quan hệ móc nối với những người có chức vụ quyền hạn. Dưới góc độ pháp luật, bảo kê được coi là hành vi cưỡng đoạt tài sản, cụ thể là đe dọa, uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản. Vấn nạn bảo kê đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn khó ngăn chặn được xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ người có hành vi bảo kê, nguyên nhân từ chính bị hại và cả từ cơ quan nhà nước.

Về những đối tượng có hành vi bảo kê, những người có thể trở thành kẻ “cầm đầu” tại một địa bàn để có quyền thu tiền bảo kê chắc chắn không phải tầm thường trong giới tội phạm. Băng nhóm của chúng có tổ chức chặt chẽ, đông người, có luât lệ riêng, thế lực mạnh nên rất khó trấn áp. Thậm chí chúng còn có cả một “bộ máy” hoàn chỉnh, có phân chia thứ bậc mà trong đó người này thu tiền bảo kê của người kia rồi lại có người khác cao hơn thu tiền bảo kê của người này. Chúng cấu kết chặt chẽ với nhau thành mạng lưới đủ sức lũng đoạn cả một địa bàn rộng lớn. Những băng nhóm như vậy thường có rất nhiều người, được trang bị hung khí vũ khí nguy hiểm, ưa dùng vũ lực, rất hung hăng và cũng rất trung thành nên cản trở rất nhiều đối với hoạt động trấn áp tội phạm.

Về phía những người là bị hại, những người này mặc dù bị cưỡng ép phải đóng tiền bảo kê cho các đối tượng xấu nhưng có rất nhiều người không chịu hợp tác với cơ quan chức năng để tố cáo hành vi phạm tội. Một phần vì họ sợ hãi sẽ bị trả thù, họ chỉ mong muốn sinh sống làm ăn yên ổn và chấp nhận mất tiền để đánh đổi sự “yên ổn” đó. Một phần họ cũng nghĩ rằng, nếu dẹp bỏ đám bảo kê này sẽ có đám bảo kê khác nổi lên và họ vẫn bị thu tiền như trước. Và cũng có thể những người thu tiền bảo kê đó cũng giúp “bảo vệ” cho bị hại trước các băng nhóm khác. Số tiền mà bị hại bị mất để trả tiền bảo kê theo họ nghĩ cũng là chi phí để họ được bảo vệ.

“Không ít các băng nhóm bảo kê mà người cầm đầu có quan hệ với những người có chức vụ quyền hạn. Nhờ những mối quan hệ đó, các đối tượng có thể tự do hoạt động mà không bị ngăn chặn kịp thời. Như vậy, một phần lý do của tình trạng bảo kê vẫn diễn ra là do một bộ phận người có chức vụ quyền hạn thiếu trách nhiệm, lợi ích nhóm cố tình không ngăn chặn quyết liệt tình trạng này” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần