Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phát triển đô thị phải bao gồm cả phát triển các khu đô thị mới, đi đôi với chỉnh trang tái thiết, tái phát triển các khu vực đô thị cũ hiện hữu. Sẽ rất thiếu sót nếu không coi trọng chỉnh trang tái thiết, tái phát triển các khu vực đô thị cũ, hiện hữu vì hoạt động này sẽ tạo được thêm nguồn lực cho phát triển. Để tìm được một số giải pháp phù hợp, Hà Nội có thể tham khảo cách làm của một số quốc gia.
Tại Malaysia, khái niệm chỉnh trang đô thị là khái niệm quan trọng để tái cấu trúc quy hoạch đô thị. Thông thường công tác này thường tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, vì vậy, việc tái cấu trúc đô thị thường tập trung vào gia tăng giá trị đất và tài sản đô thị như là một yếu tố kích thích tái thiết đô thị. Công tác này thường nhận được sự quan tâm của các cơ quan có vai trò quan trọng như các nhà hoạch định chính sách, các nhà phát triển bất động sản, các nhà bảo vệ môi trường và cộng đồng.
Một số nội dung được chú trọng trong chỉnh trang đô thị là cung cấp nước sạch, chỉnh trang tòa nhà, đường xá, công nghệ thông tin, năng lượng, giao thông, và hệ thống thoát nước. Mục tiêu của chỉnh trang đô thị của thành phố cần nâng cao mức sống và các tiêu chuẩn an sinh xã hội.
Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải - một trong những trung tâm kinh tế và dân số lớn của Trung Quốc, đã trải qua quá trình mở rộng đô thị và tái phát triển khu vực trung tâm thành phố từ những năm 1990. Để tăng tốc độ thực hiện và có nguồn lực thực hiện, thành phố đã có kế hoạch cho thuê đất để làm nhà ở cho người nước ngoài, bên cạnh việc tổ chức các không gian thương mại, bán lẻ, phục vụ ăn uống và giải trí gắn với các đặc điểm văn hóa, lịch sử.
Đây được coi như ra như một dự án thí điểm nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án tái tạo đô thị. Bài học kinh nghiệm của Thượng Hải từ công tác tái thiết đô thị, đó là phải đạt được sự đồng thuận trong các ý tưởng và ưu tiên của chính quyền địa phương, cũng như các bên liên quan ngay từ đầu; cân bằng giữa chi phí và lợi ích dài hạn của một khu vực đặc biệt trong quá trình chỉnh trang và tái phát triển; di sản văn hóa phải được coi là một tài sản, có thể nâng cao bản sắc của một đô thị, làm gia tăng giá trị tài sản.
Một số quốc gia lại lựa chọn mô hình tiếp cận phù hợp cho khu vực cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị là sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên hay quy hoạch có sự đồng thuận.
Tại Hàn Quốc, các ví dụ về chỉnh trang đô thị bao gồm các dự án tái phát triển nhà ở, các dự án chỉnh trang nhà ở và các dự án điều chỉnh lại môi trường đô thị. Năm 2013, Hàn Quốc còn ban hành đạo luật chỉnh trang đô thị .
Tại London (Vương quốc Anh), các bên tham gia vào quá trình cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị bao gồm ngân hàng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cơ quan hướng dẫn quy hoạch. Sau nhiều lần thương thảo, các bên đã đạt được thỏa thuận về nơi đến/nơi ở mới của cộng đồng, bố trí nguồn vốn, làm việc với văn phòng chính phủ hỗ trợ về thể chế.
Theo cách này, chính quyền thành phố đạt được các mục tiêu cải tạo và xây dựng tiện nghi đô thị theo quy hoạch mà không cần chi tiền, nhưng cho phép chuyển đổi một phần công năng xây dựng trung tâm thương mại để lấy tiền chi trả cho các hạng mục tiện ích xã hội.
Tại Thụy Điển, năm 1987 ban hành đạo luật hợp tác phát triển, tạo cơ hội cho vấn đề cải tạo đô thị và phát triển đô thị có sự tham gia tự nguyện của tư nhân/cộng đồng trong cải tạo phát triển quỹ đất mà không cần phải thu hồi hoặc đền bù đất đai của các chủ đất trong quá trình cải tạo xây dựng.
Tại Nhật Bản, cũng tiến hành dự án tái phát triển đất tự nguyện. Đây được coi là một công cụ quan trọng để phát triển đất đô thị, dàn xếp được sự phản kháng của các chủ đất khi thu hồi phục vụ nhu cầu tái thiết.