Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái thiết không gian, cảnh quan đô thị Hà Nội

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5 của Bộ Chính trị, với Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được xác định sẽ cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực nội đô theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.

Cùng với việc quy hoạch, xây dựng những khu vực đô thị mới nhằm tạo lập không gian, động lực phát triển Thủ đô, giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tập trung vào tái thiết không gian, kiến trúc cảnh quan các khu vực hiện hữu. Đây là nội dung được đề cập trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 đang chờ được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Không gian xây dựng đô thị nhiều biến đổi

KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nêu, thực trạng giai đoạn vừa qua cho thấy, không gian đô thị Hà Nội tiếp tục phát triển lan tỏa, tự phát, mở rộng từ khu vực nội đô ra các khu vực phía Nam, phía Tây và phía Đông gắn với các trục tuyến đường hướng tâm, đường vành đai.

Quy hoạch không gian, cảnh quan đô thị cần gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Hà
Quy hoạch không gian, cảnh quan đô thị cần gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Hà

Tại các khu vực thuộc 6 quận nội đô mở rộng như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, không gian xây dựng đô thị có sự biến đổi nhanh chóng với việc hình thành hệ thống các công trình xây dựng cao tầng trong khu vực dân cư hiện trạng.

Tại khu vực nội đô lịch sử thuộc 5 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ) có các khu vực di sản cần bảo vệ như khu vực phố cổ, khu phố cũ, khu trung tâm Ba Đình (có Hoàng thành Thăng Long), khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây, di tích văn hóa lịch sử… đang được TP nỗ lực bảo vệ, cải tạo chỉnh trang.

Tuy nhiên, không gian các khu vực di sản này cũng đang bị tác động tiêu cực bởi những công trình cao tầng xây dựng xung quanh, làm ảnh hưởng tới tầm nhìn và chất tải vào hạ tầng khu vực.

Đặc biệt, thay đổi không gian xây dựng mạnh mẽ nhất giai đoạn vừa qua phải kể đến khu vực nội đô mở rộng thuộc 7 quận (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên) và các huyện đang trong quá trình nâng cấp thành quận (Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng).

Tại khu vực này, với sự hình thành nhanh chóng các khu đô thị được quy hoạch xây dựng đồng bộ và hoạt động xây dựng tại các khu vực đô thị hiện trạng đã gia tăng mật độ xây dựng, nâng tầng cao công trình.

“Việc xây dựng hệ thống công trình cao tầng trong 10 năm vừa qua làm ảnh hưởng rất lớn tới không gian đô thị, không gian quy hoạch kiến trúc, đặc biệt là gây áp lực tới hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, kiến trúc công trình cao tầng cũng chưa được chú trọng về hình thức, giải pháp thiết kế đã làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cảnh quan đô thị” - KTS Lê Hoàng Phương nêu.

Tạo lập không gian đô thị hài hòa, bền vững

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ, Hà Nội vốn là địa danh có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng là nguyên nhân khiến nhiều cảnh quan quan trọng của Hà Nội xuống cấp, đặc biệt là các đường phố, sông hồ và khu vực nông thôn.

Các hình ảnh đặc trưng của Hà Nội đang dần bị che khuất bởi hình ảnh bề ngoài đô thị lộn xộn, làm mất đi sức hấp dẫn khách du lịch, thậm chí ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Đây là nội dung rất cần được quan tâm giai đoạn tới vì vừa qua công tác này chưa được chú trọng thật sự.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), dưới tác động của cơ chế thị trường, cấu trúc đô thị Hà Nội có sự chuyển dịch sâu sắc. Các mô hình công nghiệp, dân cư khép kín trước đây đã bị phá vỡ và thay thế bằng các dạng mô hình công nghiệp, dân cư tách biệt.

Sự phát triển nhà ở với mô hình đa dạng và thiếu kiểm soát dẫn tới việc sử dụng đất thiếu hiệu quả. Nhất là khu vực trung tâm TP đang bị ảnh hưởng bởi quá trình tái phát triển thương mại nhanh chóng.

Các tòa nhà dân cư và công trình công cộng cũ đã được sửa chữa hoặc xây dựng lại với cấu trúc cao hơn để làm khách sạn, văn phòng, cửa hàng… hoặc các hoạt động thương mại, nhà ở hỗn hợp (nhà phố thương mại). Những công trình kiến trúc này, được thiết kế kém với nhiều phong cách địa phương và quốc tế pha trộn đã làm thay đổi đáng kể giá trị bảo tồn khu vực nội đô lịch sử…

Để khắc phục những tồn tại trên, TS Nguyễn Quang cho rằng đồ án Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng đô thị của Thủ đô tới đây cần định hướng phát triển đô thị hài hòa, bền vững, ưu tiên phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cùng với cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn…

“Bản quy hoạch xây dựng cần phải xác định rõ ranh giới đô thị, vùng chuyển đổi và khu vực nông thôn. Điều này giúp hạn chế việc xây dựng đô thị tràn lan, sử dụng đất không hiệu quả, không gắn đô thị hóa với công nghiệp hóa (việc làm, dịch vụ). Hơn nữa, xác định cụ thể những khu vực bảo tồn không phát triển, khu vực hạn chế phát triển, khu vực phát triển có điều kiện và khu vực khuyến khích phát triển” - TS Nguyễn Quang nói.

KTS Lê Hoàng Phương cho biết, để Thủ đô Hà Nội đạt được tầm nhìn, ý tưởng chung về một cảnh quan đô thị với mong muốn kết hợp cả bảo tồn, phát triển trên toàn TP, đặc biệt là ở các khu vực đô thị hóa nhanh chóng, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 đã nghiên cứu, đề xuất các chiến lược thiết kế đô thị theo nguyên tắc liên tục, hài hòa, bền vững, giá trị nhân văn, xu thế toàn cầu.

Về giải pháp quy hoạch cụ thể, đồ án đưa ra đối với khu vực phát triển đô thị sẽ tập trung phát triển các dự án đô thị mới hiện đại gắn với các trung tâm thương mại dịch vụ mới cấp quốc gia và TP, không gian văn hóa lịch sử quốc gia, giao thông hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường; tổ chức mô hình TOD theo các trung tâm tập trung kết nối các loại hình giao thông, ưu tiên phát triển giao thông công cộng.

Vùng nội đô lịch sử, hạn chế phát triển cao tầng, khuyến kích phát triển mật độ thấp, tăng cường không gian mở. Đối với khu vực làng đô thị hóa, nghiên cứu chuyển đổi và tái điều chỉnh đất phù hợp ưu tiên cho hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

Các vùng phát triển mới, khuyến khích phát triển cao tầng, dành quỹ đất trống xây dựng không gian công cộng, cây xanh. Đặc biệt, nghiêm cấm phát triển đô thị lan tỏa trên các tuyến hành lang giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh; nghiêm cấm phát triển đô thị (không gian ở mới) bên ngoài ranh giới phát triển đô thị, trong vành đai xanh và các nêm xanh.

 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nâng cấp, tái thiết đô thị cần một cách tiếp cận hệ thống, gắn với nhu cầu ưu tiên và tiềm năng phát triển của cộng đồng đô thị. Hà Nội là TP di sản quan trọng, vì vậy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Thủ đô phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc của đô thị, đóng góp nâng cao chất lượng sống, kinh tế đô thị. Chương trình nâng cấp cần cách tiếp cận đa mục tiêu, nâng cấp nhà ở, hạ tầng gắn với tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), TS Nguyễn Quang