Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại tòa nhà cao tầng Nam Xa La: Người dân “be bờ, tát nước” giữa lưng chừng trời

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi trời mưa, nước từ mái tầng kỹ thuật chảy thẳng xuống nhà dân, hành lang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân… Đó là thực trạng diễn ra trong suốt 5, 6 năm nay tại tòa nhà cao tầng Nam Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông.

Sống trong lo sợ

Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân tòa nhà Nam Xa La về tình trạng một số căn hộ tại tòa nhà bị xuống cấp, ngấm, dột… nghiêm trọng, khiến nước mưa chảy vào nhà, hành lang gây ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân mỗi khi trời mưa. Theo phản ánh của người dân, tình trạng trên đã diễn ra 5, 6 năm nay. Cư dân đã nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư, Ban Quản trị (BQT) tòa nhà nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
 Tại hành lang tầng 3, tòa nhà cao tầng Nam Xa La, người dân phải bố trí các thùng xốp để hứng nước mưa dự phòng khi trời mưa.
Bà N.T.L sống tại căn hộ 326, nhà CT2, tòa nhà Nam Xa La, Khu đô thị Xa La cho biết, năm 2015, gia đình có mua căn hộ trên từ phía Công ty CP Đầu tư Kinh doanh và phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Hà với những lời quảng cáo "có cánh". Tuy nhiên, chỉ sau gần một năm đi vào sử dụng (năm 2016), nhiều căn hộ tại tầng 3 của tòa nhà đã xuất hiện tình trạng thấm, dột nghiêm trọng khiến nước chảy lênh láng khắp nhà, hành lang.
Bà N.T.L thông tin thêm, mỗi khi trời mưa, nước từ mái tầng kỹ thuật (tầng 4) ngấm, chảy thẳng xuống tầng 3, đặc biệt tại khu vực giáp ranh giữa nhà CT1 và CT2.
“Hiện tại, toàn bộ phần tường tiếp giáp giữa căn hộ 326 và 325 đã bị ngấm, thấm dột, bong tróc… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng ngôi nhà, hệ thống đường điện, sức khỏe, tính mạng của người dân” - bà L. cho hay.
 Tại căn hộ 325, CT1 tường nhà bị bong tróc nghiêm trọng.
Chủ căn hộ số 325 nhà CT2 cho biết, để đảm bảo cuộc sống, cư dân đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp chống thấm, dột, ẩm mốc, đặc biệt là đảm bảo an toàn hệ thống đường điện trong gia đình… nhưng không đem lại hiệu quả lâu dài.
“Dù ở trong chính ngôi nhà của mình, nhưng chúng tôi luôn phải sống trong lo lắng, thấp thỏm vì lo cho sức khỏe và tính mạng của các thành viên trong gia đình. Mặc dù đã liên tục cải tạo, sửa chữa để khắc phục, nhưng chúng tôi cũng không thể biết những biện pháp trên giữ an toàn được đến lúc nào” - chủ căn hộ số 325 nói.
Hết dịch, hết lo?
Trao đổi với chúng tôi, đại diện những người dân tại tòa nhà Nam Xa La cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ khe hở trên mái tầng kỹ thuật giữa nhà CT1 và CT2 Khu đô thị Xa La.
Người dân ở đây lý giải, theo quy định, tại khu vực khe hở này, chủ đầu tư phải tổ chức chống thấm, có biện pháp ngăn chặn tình trạng thấm, dột nước... kỹ càng xuống các tầng phía dưới. Song, việc chống thấm lại được thực hiện rất sơ sài.
 Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống che chắn khe hở giữa hai tòa nhà quá sơ sài, xuống cấp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, để chống thấm cho công trình, chủ đầu tư chỉ phủ lên một lớp tôn mỏng. Qua thời gian, tấm tôn này đã bị gãy, thủng… mất khả năng chống thấm, dột. Bà N.T.L cho biết, trước kiến nghị của người dân, BQT tòa nhà đã cho phủ một lớp bạt nhựa lên khu vực khe hở giữa 2 tòa nhà, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, không giải quyết triệt để được tình trạng thấm dột đã tồn tại nhiều năm qua.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng BQT tòa nhà Nam Xa La, Khu đô thị Xa La Nguyễn Văn Hiệp cho biết, BQT đã có biên bản gửi chủ đầu tư đề nghị sớm giải quyết dứt điểm để đảm bảo cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, hiện tại, chủ đầu tư đã thống nhất chuyển kinh phí, giao BQT khảo sát, lên phương án sửa chữa. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động sửa chữa, xây dựng phải tạm dừng.
“Sau khi hết giãn cách, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào làm để đảm bảo cuộc sống của người dân” - Trưởng BQT tòa nhà Nam Xa La ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.