Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tài xế vi phạm nồng độ cồn: Làm sao xử lý triệt để?

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng tài xế uống rượu, bia lái xe gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đã gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói, luật đã quy định nghiêm, cả cộng đồng chung tay đồng lòng, vì sao những “bóng ma” này vẫn hiện hữu trong xã hội ngày càng văn minh?

Tổ công tác Đội CSGT số 3 (Công an TP Hà Nội) ra quân kiểm tra lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia trên tuyến đường Láng. Ảnh: Phạm Công
Tổ công tác Đội CSGT số 3 (Công an TP Hà Nội) ra quân kiểm tra lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia trên tuyến đường Láng. Ảnh: Phạm Công

Liên tiếp nhiều vụ tai nạn

Sau khi mức xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn được tăng rất nặng, hiện tượng “ma men” sau tay lái đã có một đoạn thời gian giảm bớt. Nhưng thời gian qua, vi phạm này lại tái diễn liên tục ở nhiều địa phương. Điển hình nhất là vụ việc tài xế say xỉn lái xe ô tô mang BKS: 30H - 758.03 đâm hàng loạt xe máy tại cây xăng đường Láng, Hà Nội tối ngày 12/8 vừa qua, khiến 8 người bị thương.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã phối hợp Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Công an Hà Nội tiến hành thử nồng độ cồn của tài xế này, xác định nồng độ cồn là 0,917mg/l, cao gấp 2,25 lần mức kịch khung theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là 0,4mg/l khí thở.

Sau vụ tài xế say rượu lái ô tô đâm vào cây xăng trên đường Láng (Hà Nội) làm nhiều người bị thương, lực lượng CSGT Hà Nội đã triển khai xử lý vi phạm về nồng độ cồn tại khu vực tuyến đường tập trung đông các quán bia, karaoke. Qua đó đã phát hiện nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn "khủng". Trong đó có trường hợp lái xe V.T.T. (47 tuổi, trú tại Đống Đa) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,682 mg/l khí thở, cao gấp 1,7 lần mức vi phạm cao nhất được quy định trong Nghị định 100/NĐ-CP.

Trước đó là vụ việc cả gia đình ba người thiệt mạng do bị một tài xế say xỉn đâm phải tại Bắc Giang, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,604 mg/lít khí thở. Thủ phạm gây ra vụ tai nạn nói: “Tôi thực sự hối hận và mong mọi người hãy làm chủ tay lái và không sử dụng rượu bia khi lái xe”. Nhưng tất cả đã muộn màng, hai gia đình của cả thủ phạm lẫn nạn nhân đều chịu mất mát, đau thương, người lái xe phải trả giá bằng cả cuộc đời của mình.

Một chàng trai (xin giấu tên) trú tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ chia sẻ: “Tôi đã từng lái xe khi say xỉn, tự đâm vào gốc cây, may mắn không làm hại đến ai nhưng bản thân bị thương rất nặng. Sau vụ tai nạn tôi cực kỳ hối tiếc. Giá như lúc đó đừng vì nể nang mà uống vài chén rượu, cũng đừng vì chút sĩ diện mà cố tự đi xe về”.

Thạc sĩ Tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh nhận định, có không ít người rơi vào trạng thái tâm lý tương tự như những nhân vật nói trên. “Bản chất việc uống rượu bia không phải là xấu. Nhưng trên bàn rượu khích bác, chèo kéo nhau uống đến mức say là không nên. Người đã say còn cố thể hiện mình “có bản lĩnh”, tự lái xe về là cẩu thả và mất kiểm soát” - thạc sĩ Nguyễn Anh Minh nói.

Thực vậy, trong cuộc sống hàng ngày, việc mời nhau chén rượu, cốc bia rất phổ biến. Từ cán bộ, lãnh đạo, doanh nhân, người già cho đến thanh niên, việc uống rượu, bia đã trở thành quy tắc bất thành văn, uống nhiệt tình đến say cũng được xem như một nét văn hóa giao tiếp bình thường. Thậm chí nhiều người từ chối uống còn bị xem là thiếu nhiệt tình, không chân thành.

Nhưng lại rất hiếm khi thấy, sau cuộc nhậu, người tỉnh kiên quyết ép người say không được lái xe (!). Không ít người còn cố chứng tỏ mình không say, hoặc say cũng hơn người khác bằng việc tự lái xe ra đường. Tâm lý tự kiêu đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lái xe say xỉn gây tai nạn thảm khốc diễn ra liên tiếp nhiều năm qua.

Thạc sĩ Xã hội học Lê Hoàng Lan chia sẻ, với quy định tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể nói, luật đã rất nghiêm khắc. Hành vi say xỉn lái xe cũng bị cả cộng đồng lên án, công tác tuyên truyền được làm sâu rộng, nhưng nghịch lý là những “bóng ma” này vẫn tồn tại trong xã hội ngày càng văn minh.

“Vậy nguyên nhân do đâu? Phải chăng là sự cẩu thả, thiếu hiểu biết hay tính sĩ diện, bất chấp pháp luật của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông?” - thạc sĩ Lê Hoàng Lan nói.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Duy trì kiểm tra, kiểm soát

Thạc sĩ Lê Hoàng Lan phân tích, để thay đổi nếp xấu lái xe khi say xỉn cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực toàn diện của cả cộng đồng, bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình. Mỗi ngày khi người thân ra khỏi nhà, gia đình cần nhắc nhở họ không say xỉn, đã uống rượu, bia thì không lái xe. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ nhau bằng cách đưa đón sau khi tiệc tùng, chúc tụng, không nên trách móc nặng lời khiến người lỡ say đã mất kiểm soát lại càng nóng giận.

Nhiều chuyên gia cho rằng, pháp luật nghiêm minh, tuyên truyền thường xuyên đến thế nào đi nữa cũng không thể hơn được những tác động từ phía người thân, gia đình. Mỗi gia đình kiên quyết không để người thân lái xe khi say xỉn sẽ góp một phần rất quan trọng vào việc ngăn chặn tai nạn giao thông, đẩy lui “ma men” sau tay lái.

Mặt khác, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát hơn nữa với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Những chiến dịch cao điểm đã cho thấy kết quả rất tích cực, nhưng hết chiến dịch, vi phạm lại tái diễn. Thực tế đó đòi hỏi sự tập trung, bền bỉ trong tuần tra, xử phạt.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Không ít người dân vẫn có tâm lý hết cao điểm đâu lại vào đấy, nên chưa hình thành thói quen, ý thức chấp hành luật giao thông. Lực lượng chức năng cần duy trì áp lực thật lâu, không lơ là buông lỏng, kể cả khi văn hóa giao thông đã được định hình”.

Trước tình trạng tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra có liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, nhiều ý kiến cho rằng nên tịch thu hẳn phương tiện của các “ma men”. Luật sư Phan Thị Thanh Hiền (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, giải pháp này rất khó thực hiện nhưng việc xem xét gia tăng thời gian tạm giữ phương tiện là cần thiết.

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng khiến ba người thiệt mạng tại Bắc Giang tháng 6 vừa qua, nhiều bộ, sở ngành đã ra quy định cấm cán bộ, nhân viên uống rượu bia vào buổi trưa nhằm hạn chế bớt tình trạng say xỉn lái xe. Nhưng bên cạnh đó, biện pháp gửi thông báo vi phạm giao thông của cán bộ về cơ quan, nơi công tác lại chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, trên thực tế, phần không nhỏ người điều khiển ô tô là cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân… Trong số nhiều vụ tai nạn thảm khốc vừa qua, có cả những vụ việc mà “ma men” là cán bộ Nhà nước, lãnh đạo DN. Bởi vậy việc phối hợp với cơ quan, nơi ở để giáo dục ý thức giao thông, ngăn chặn hành vi say xỉn lái xe là đặc biệt cần thiết.

Hơn nữa, làm nghiêm trong đội ngũ cán bộ sẽ nêu gương tốt, có hiệu quả tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân. Vì một xã hội bình yên, văn minh, không còn những “bóng ma” hiện hữu sau tay lái, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả cộng đồng phải không ngừng nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông.

 

Hiện mức phạt kịch khung lỗi vi phạm nồng độ cồn chỉ cho phép giữ xe tối đa 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Để tăng tính răn đe và hạn chế hậu quả, cần phải quy định rõ, vi phạm nồng độ cồn tất cả các mức sẽ bị tạm giữ phương tiện, tối thiểu 7 ngày, tối đa nhiều tháng. Bởi chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại, với nhiều người nó còn phục vụ kế sinh nhai nên hình thức xử lý tạm giữ phương tiện lâu dài sẽ có tác động lớn đến người vi phạm.

Luật sư Phan Thị Thanh Hiền - Đoàn Luật sư Hà Nội