Taliban mua xăng của Nga

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Reuters dẫn lời các quan chức Afghanistan cho biết, chính quyền Taliban đang trong giai đoạn cuối cùng của các cuộc đàm phán tại Moscow về các điều khoản hợp đồng cho Afghanistan mua xăng và benzen từ Nga.

Những can chứa xăng được bày bán trên một con đường ở thủ đô Kabul, Afghanistan, tháng 1/2022. Ảnh: REUTERS
Những can chứa xăng được bày bán trên một con đường ở thủ đô Kabul, Afghanistan, tháng 1/2022. Ảnh: REUTERS

Phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Afghanistan Habiburahman Habib xác nhận, một phái đoàn chính thức do Bộ Thương mại chủ trì đã đến thủ đô của Nga và hoàn tất các hợp đồng cung cấp lúa mì, khí đốt, dầu mỏ.

"Họ đang đàm phán với phía Nga... Chúng tôi đã gần như thống nhất về xăng và benzen" - ông Habib nói với Reuters, và cho biết thêm họ sẽ chia sẻ thông tin chi tiết sau khi hợp đồng này được hoàn tất.

Theo Reuters, các hợp đồng được đưa ra sau khi một phái đoàn của Taliban do quyền Bộ trưởng Thương mại Afghanistan dẫn đầu đã đến thăm Nga vào giữa tháng 8 để hội đàm về thương mại.

Nếu thành công, hợp đồng sẽ là dấu hiệu cho thấy các chính phủ nước ngoài đang gia tăng làm ăn với Taliban, mặc dù chính quyền của lực lượng này không được bất kỳ quốc gia nào chính thức công nhận kể từ khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi quân đội Mỹ rút đi khoảng 1 năm trước.

Động thái cũng diễn ra khi Mỹ đang cố gắng thuyết phục các quốc gia khác cắt giảm sử dụng dầu của Nga, cho rằng sáng kiến ​​này nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ mà Moscow sử dụng để tài trợ cho chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Cả Nga và Afghanistan do Taliban lãnh đạo đều đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ các quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ.

Đến nay, không có chính phủ nước ngoài nào, kể cả Moscow, chính thức công nhận chính quyền Taliban, và các ngân hàng của Afghanistan đã bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt khiến hầu hết các ngân hàng quốc tế không muốn thực hiện các giao dịch với các ngân hàng Afghanistan.

Nguồn tin của Reuters cho biết, Taliban đã có kế hoạch về cách thức thanh toán sẽ được thực hiện, nhưng từ chối cung cấp chi tiết về việc liệu các kênh ngân hàng chính thức có được sử dụng hay không.

Bất chấp tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan đang bị đóng băng và lĩnh vực ngân hàng của nước này bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt, một số quốc gia vẫn đang hợp tác để giúp Kabul tiếp cận thị trường toàn cầu, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trong nước.

Chẳng hạn, theo Reuters, Pakistan đang nhận hàng nghìn tấn than từ Afghanistan mỗi ngày để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Các giao dịch được thực hiện bởi các doanh nghiệp tư nhân ở mỗi quốc gia và chính quyền Taliban thu hàng triệu USD tiền thuế hải quan từ hoạt động xuất khẩu than như vậy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần