Tâm điểm tăng nhiệt của thị trường địa ốc năm 2010

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thực trạng hiện nay là tiến độ của dự án bất động sản khá ổn định nhưng tiến độ của hạ tầng lại là một ẩn số lớn, do đó nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư.

KTĐT - Thực trạng hiện nay là tiến độ của dự án bất động sản khá ổn định nhưng tiến độ của hạ tầng lại là một ẩn số lớn, do đó nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư.

Nhiều đơn vị tư vấn bất động sản đánh giá và dự báo Đồng Nai sẽ là tâm điểm tăng nhiệt của toàn thị trường địa ốc phía Nam trong năm 2010.

Trung tuần tháng 1-2010, hàng chục dự án lớn nhỏ chạy dọc theo huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai liên tục bung hàng, đồng thời nhà đầu tư ngoại tỉnh, nhiều nhất là TPHCM cũng đổ xô tìm đến đặt cọc, chọn mua đã làm cho thị trường nhà đất khu vực này “nóng” lên. Nguyên nhân có thể là do thông tin quy hoạch sân bay, dời trung tâm hành chính của tỉnh về Long Thành, rồi tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây...

Nhiều dự án “khủng”

Đã lâu lắm từ sau khi cơn sốt đất tại huyện Nhơn Trạch vào những năm từ 2002 - 2004, thị trường nhà đất Đồng Nai lại mới được chứng kiến cảnh căn hộ, nền đất cấp tập ra hàng như hiện nay, trong đó có khá nhiều sản phẩm thuộc về những dự án “khủng”.

Cụ thể: Ngày 8-1, Công ty NAC công bố phân phối dự án khu phức hợp Long Thành Plaza tọa lạc ngay mặt tiền Quốc lộ 51, huyện Long Thành. Dự án cao 19 tầng, diện tích sàn xây dựng hơn 95.000 m2 gồm căn hộ cao cấp cho thuê, trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ...

Trước đó, ngày 6-1, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Thống Nhất đã khởi công dự án khu chợ và khu phố chợ ngay ngã ba Dầu Giây, huyện Thống Nhất. Dự án rộng 7 ha, gồm khu trung tâm thương mại gần 2 ha và 317 nhà phố liên kế. Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa (đơn vị phân phối dự án) Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết doanh nghiệp sẽ chào bán sản phẩm vào tháng 4, giá dự kiến 3-5 triệu đồng/m2.

Còn chỉ tính riêng địa bàn hai xã Tam Phước và Long Hưng đã có đến 4 khu đô thị: Phước Hưng có tổng diện tích 286 ha, Aquacity rộng 304 ha, Waterfront quy mô 366 ha, khu dân cư Long Hưng 227 ha. Huyện Trảng Bom có dự án lớn nhất là khu dân cư Giang Điền 529 ha đã bán xong đợt 1 và chuẩn bị tung hàng đợt tiếp theo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp địa ốc tại Đồng Nai cũng chuẩn bị sẵn những khu dân cư quy mô nhỏ và trung bình như: Phú An (11,5 ha), Tam Phước (18 ha), cù lao Tân Vạn (45 ha), khu dân cư Tân Biên (126 nhà phố và 22 vila), dự án căn hộ Quang Vinh (0,89 ha)...

Lợi nhuận lớn, rủi ro tăng

Mặc dù nhiều đơn vị tư vấn bất động sản đánh giá và dự báo thị trường địa ốc Đồng Nai sẽ là tâm điểm tăng nhiệt của toàn thị trường nhà đất phía Nam trong năm 2010 nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn.

Các chuyên gia địa ốc nhận định: Bài toán đầu tư ngoại tỉnh phụ thuộc rất nhiều các yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Kỳ vọng càng lớn, ước tính lợi nhuận càng cao thì rủi ro tiềm ẩn cũng khó tính được. Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Á Châu (ACBR) Phạm Văn Hải phân tích các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An có chung đặc điểm là giá đất rẻ hơn TPHCM.

Chính vì vậy, tiềm năng của thị trường này thực sự rất lớn, đặc biệt đối với nhà đầu tư thích các dự án ở các khu vực có đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Tuy nhiên, ông Hải cũng cảnh báo về hiện tượng nhiều chủ đầu tư không đi vào thiết kế dự án dành cho người ở lâu dài mà đa phần chỉ quan tâm đến yếu tố đầu tư đón gió hạ tầng. Điều này dễ dẫn đến việc các khu đô thị, khu dân cư vắng người, tính thanh khoản của bất động sản bị hạn chế.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Sacomreal Bùi Tiến Thắng nhận định so với Bình Dương, Đồng Nai là địa bàn có vị trí mở, thông thoáng, kết nối tốt với phía Đông TPHCM và thuận lợi cả hướng đổ ra Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng đối với một thị trường mới nổi lân cận TPHCM như Đồng Nai, cái khó đối với nhà đầu tư chính là thời gian kết nối hạ tầng lâu hay mau.

Thực trạng hiện nay là tiến độ của dự án bất động sản khá ổn định nhưng tiến độ của hạ tầng lại là một ẩn số lớn, do đó nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư.

Khó “lướt sóng”

Các chuyên gia địa ốc cho rằng trước khi bắt đầu chọn kênh đầu tư vào thị trường bất động sản mới nổi, khách hàng phải có kế hoạch lưu thông vốn dài hạn 5-7 năm, thậm chí một thập niên chứ không thể “lướt sóng” trong vài tháng hay 1-2 năm. Bởi lẽ, hạ tầng khu vực này chỉ đang dừng lại ở kế hoạch, khảo sát, còn giao thông chưa có sự kết nối đồng bộ và các điều kiện cơ bản để tăng giá trị địa ốc vẫn còn thiếu và yếu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần