Tạm dừng phiên tòa xử vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lý do dừng phiên tòa, theo chủ tọa cần phải có thêm thời gian xác minh, thu thập chứng cứ về số tiền 2.019 tỷ đồng do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên trên tài khoản tại 3 ngân hàng.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Chiều 1/3, theo dự kiến TAND TP Hồ Chí Minh sẽ tuyên án vụ kiện “Tranh chấp và ly hôn” giữa nguyên đơn bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) với bị đơn ông Đăng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Tuy nhiên, phiên tòa đã phải dừng lại.
Vụ thể, HĐXX bất ngờ quay lại phần hỏi để làm rõ khoản tiền 2.109 tỷ đồng do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng mà trước đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng chưa đủ căn cứ xem xét.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa do nhận thấy 2 bên đương sự chưa cung cấp đầy đủ những hồ sơ, chứng cứ về phần tài sản 2.109 tỷ đồng trong ngân hàng được cho là thuộc quyền sở hữu chung của 2 vợ chồng, yêu cầu các đương sự cung cấp chứng cứ về khoản tiền này. Phiên tòa sẽ mở lại vào 8h ngày 27/3.
Trao đổi với báo chí về quyết định trên của HĐXX, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết: “Thực ra việc dừng phiên tòa do luật sư đại diện theo ủy quyền của tôi có đơn xin dừng vào ngày 27/2. Lý do xin dừng vì có nhiều việc trong quá trình xét xử không đúng thủ tục, từ đó sẽ có thể dẫn đến sai pháp luật. Vì vậy, trong đơn của luật sư đề nghị phải cung cấp đầy đủ các chứng cứ để khi tòa đưa ra phán quyết phải có tính đúng đắn, đúng pháp luật”.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Luật sư Hoàng Anh Tuấn (đại diện bà Thảo) cho biết thêm: “Sau khi đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, chúng tôi đã có đơn đề nghị làm rõ một số vấn đề. Thứ nhất, đại diện Viện KSND cho rằng bà Thảo không chứng minh được công đóng góp tại thời điểm khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo luật pháp quy định công sức đóng góp là công trực tiếp đóng góp vào khối tài sản của vợ chồng. Việc khởi nghiệp và tài sản của vợ chồng là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Ông Vũ cũng khai trước tòa là không có tài sản riêng trước khi kết hôn, không được tặng cho tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, toàn bộ khối tài sản đó là tài sản chung hình thành từ tài sản của 2 vợ chồng chứ không phải tài sản hình thành từ công sức của riêng ai. Ở đây có sự hiểu lầm là “khởi nghiệp” và “tài sản”. Ví dụ trong 2 công ty cà phê, ông Vũ đang là cổ đông, vì thế chỉ có sở hữu cổ phần tại công ty đó mà thôi, ông Vũ không sở hữu công ty đó nên công ty đó không phải là tài sản đem ra chia. Chia ở đây là chia cổ phần”.