Theo thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2023 đến nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo hơn 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng...) ở 13 tỉnh, TP khu vực phía Nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật.
Trong số những cảnh báo này, chủ yếu là thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về nhiều lô hàng sầu riêng, thanh long, chuối… xuất khẩu bị phát hiện có vi sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc.
Trước tình hình trên, cuối tháng 8/2023, Bộ NN&PTNT đã chủ trì tổ chức Hội nghị về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, sở NN&PTNT các tỉnh phía Nam và rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã nói rất rõ sẽ đề nghị tạm dừng xuất khẩu đối với một số mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản thông báo đến các địa phương đề nghị tạm dừng xuất khẩu 74 mã số vùng trồng và đề nghị thu hồi 47 mã số cơ sở đóng gói vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị những đơn vị sở hữu mã số vi phạm phải có biện pháp làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục, không để tái diễn vi phạm. Trong số đó có nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, thanh long, chuối… đều là những loại trái cây xuất chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, việc tạm dừng khai thác những mã số này để yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương phải làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục, khi nào hoàn thành xong sẽ tiếp tục được xuất khẩu trở lại.
Ông Hoàng Trung cũng khẳng định, các doanh nghiệp nói “bất ngờ” nhận được thông báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật phải tạm dừng khai thác mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc là không đúng, không khách quan.
Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh việc chủ động áp dụng biện pháp này là để siết chặt quản lý chất lượng nông sản vào thị trường Trung Quốc, khi đây là thị trường lớn và rất quan trọng. Nếu tiếp tục để Trung Quốc phát hiện thêm các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam có vi phạm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt hàng nông sản khác đang xuất khẩu vào Trung Quốc.