Nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng
Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị ngưng trệ làm gia tăng tỷ lệ người lao động (NLĐ) thất nghiệp. Để duy trì hoạt động, không ít DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm thời gian làm việc, thậm chí cắt giảm lao động vì không có đơn hàng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Lê Tiến Trường thông tin: Ngành dệt may Việt Nam có khoảng 6.800 DN với 2,8 triệu lao động; quy mô tiêu thụ đạt chừng 45 tỷ USD, trong đó, năng lực tiêu thụ trong nước chỉ 5 tỷ USD, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu.
Khi dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc đã khiến ngành dệt may trong nước rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Mới đây, những đối tác tại Mỹ và EU lại tạm ngưng nhận hàng từ 3 tuần đến 1 tháng khiến các DN phải xoay xở ổn định sản xuất và tìm cách giữ chân NLĐ.
Công ty TNHH Viglacera Glasskote đã cho lao động nghỉ việc luân phiên nên còn rất ít người làm việc ở xưởng sản xuất. Ảnh: Oanh Trần |
"Vấn đề cấp bách của DN dệt may hiện nay là làm sao đảm bảo đời sống cho NLĐ. Vitas đang có những phương án giữ NLĐ trong 3 tháng tới là tiết giảm lao động, làm việc luân phiên giữa các nhóm" - ông Lê Tiến Trường chia sẻ.
Là DN chuyên sản xuất kính màu và cung cấp sản phẩm kính trang trí nội thất cho các tập đoàn lớn ở trong nước, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu bán hàng của Công ty TNHH Viglacera Glasskote tương đối ổn định.
Thế nhưng, “từ khi xảy ra dịch, toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi gần như tê liệt bởi khách hàng là giới bất động sản bị đóng băng, các tập đoàn và DN lớn đang rơi vào tình trạng ngủ đông; một số đối tác nhỏ phải vất vả duy trì hoạt động; thị trường bán lẻ hầu như không có” - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viglacera Glasskote Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Đồng thời cho biết, trước đây, công ty có gần 70 nhân viên, thậm chí những đợt cao điểm phải thuê thêm lao động bên ngoài. Nhưng từ đầu năm 2020 tới nay, DN phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, cắt giảm tương đối lao động ở các bộ phận sản xuất, lắp đặt, thiết kế, kinh doanh, làm việc rất cầm chừng. Đến thời điểm này, công ty còn gần 60 nhân viên và sẽ tiếp tục cho nghỉ luân phiên. Mục tiêu của DN hiện nay chính là thu hồi công nợ, những đơn hàng mới rất hạn chế.
Giải pháp hỗ trợ kịp thời
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành BHXH Việt Nam đã giảm gánh nặng cho DN, đơn vị bằng cách tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. Cụ thể là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN thuộc những ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ. Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra.
Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 và không tính lãi theo quy định. Đến hết tháng 6/2020, dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị sẽ được xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.
Khi đón nhận thông tin DN được giãn thời gian đóng BHXH, ông Nguyễn Việt Dũng rất cảm kích chủ trương của Chính phủ và đặc biệt của BHXH Việt Nam hỗ trợ đối với những DN đang phải vật lộn với khó khăn.
“Chính sách này tạo điều kiện cho DN bớt được những khó khăn về dòng tiền. Chúng tôi sẽ dùng số tiền đóng BHXH vào tử tuất và hưu trí để một phần trả lương cho NLĐ và phần còn lại trang trải các chi phí thiết yếu hàng ngày của công ty” - ông Việt Dũng cho hay.
Anh Vũ Hoài Thanh - nhân viên kinh doanh của Công ty Viglacera Glasskote cũng rất vui khi biết thông tin DN được tạm hoãn đóng BHXH, vì như thế, DN mới giải quyết được lương cho NLĐ. “Đã cuối tháng 3 nhưng chúng tôi đang bị chậm lương tháng 2. Tới đây, nếu dịch Covid-19 không được khống chế, cùng với thực hiện phương án nghỉ làm luân phiên, công ty sẽ giảm lương rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ tới NLĐ. Hiện nay, công ty vợ tôi cũng khó khăn, sang tuần thực hiện làm việc online và nghỉ luân phiên” - anh Hoài Thanh cho hay.
Cho rằng, nếu tình trạng Covid-19 kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới NLĐ, đại diện Hiệp hội Vitas kiến nghị cho miễn toàn bộ việc đóng BHXH đến hết tháng 6/2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12/2020 đối với phần của người sử dụng lao động và miễn đóng phần của NLĐ. Đại diện Vitas cũng đề nghị miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020; sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm.
Thông tin từ BHXH Việt Nam, dịch Covid -19 khiến nhiều DN lao đao làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Trong quý I/2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp ước thực hiện 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền được chi trả, ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng. |