Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm huyết từ những sáng kiến đời thường

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc (nạo vét cống ngầm), anh Phạm Danh Khoa (Tổ trưởng tổ duy trì 5, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) luôn trăn trở, tìm tòi sáng kiến cải tiến kỹ thuật để vừa đảm bảo an toàn, vừa giảm nhẹ sức lao động, góp phần giữ gìn cảnh quan đô thị thêm văn minh, sạch đẹp.

 Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo hút chất thải trên phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Những sáng kiến xuất phát từ thực tiễn

Nếu như trước kia, những công nhân nạo vét cống ngầm của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phải dùng xô múc bùn trực tiếp bằng tay thì nay nhờ máy cầm tay (cuốc móc bùn trong cống) công việc đã đỡ vất vả hơn. Cuốc móc bùn được thiết kế thành từng đoạn tuýp (dài 1m), nối bằng các đầu gen, cút gen, có thể tháo lắp dưới cống rất thuận tiện. Nhờ sáng kiến này của anh Khoa, công nhân nạo vét cống ngầm có thể dễ dàng thao tác nhanh, làm việc hiệu quả ngay cả những nơi bị ngập nước.

Trước thực tế hiện nay, các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội “mọc lên như nấm” khiến cho nguồn nước thải xả ra môi trường ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc những công nhân nạo vét cống ngầm cũng vất vả gấp bội. Trước kia, công nhân phải dùng phương pháp thủ công bằng que tre, luồn thông từ đầu này sang đầu kia, các lớp mỡ đóng bám rất khó khăn khi thực hiện. Giờ đây, sự vất vả ấy giảm đi nhiều nhờ sáng kiến ống hàn nhiệt của anh Phạm Danh Khoa. Với tính năng của ống hàn nhiệt khá trơn, thuận tiện, dễ hơn làm thông tre nên người công nhân không cần phải chui vào cống mà vẫn có thể kéo bùn, đưa những lớp mỡ thải ra ngoài.

Dầm mình dưới “âm phủ”

“Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” đó lại cách gọi hài hước của những công nhân làm công việc nạo vét cống ngầm. Ấy vậy mà hơn 30 năm gắn bó với nghề, anh Phạm Danh Khoa cùng đồng nghiệp vẫn miệt mài ngày đêm, dầm mình dưới dòng nước cống đen ngòm để nạo vét khơi thông dòng chảy, góp phần bảo vệ môi trường, giúp TP ngày càng sạch đẹp hơn.

Tuy lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc nhưng anh Khoa luôn nỗ lực phấn đấu, chủ động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. “Tôi muốn tìm tòi những sáng kiến nhằm giảm nhẹ sức lao động cho bản thân cũng như đồng nghiệp. Hơn nữa, công ty luôn tạo mọi điều kiện nên chúng tôi có thêm cơ hội phát huy những sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất”- anh Khoa cho biết.

Khi công ty chuyển sang một số lĩnh vực mới như xử lý nước thải, tách dầu mỡ, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền cho người dân về vấn đề môi trường, anh Khoa lại có thêm cơ hội để tiếp tục tìm tòi, cho ra đời những sáng kiến áp dụng vào công việc thực tế. Khiêm tốn chia sẻ về những sáng kiến, anh Khoa cho hay: “Những sáng kiến này rất đời thường nhưng giúp anh em đồng nghiệp không phải vất vả chui vào trong lòng cống, những chỗ độc hại, nguy hiểm như ngày trước”. Vinh dự là một trong 90 công nhân giỏi Thủ đô, anh Khoa tự hào khi mình đã góp phần nhỏ bé làm đẹp cho môi trường Hà Nội.