Hà Nội những ngày này thật kỳ lạ. Phố vẫn vậy, đường đến công sở vẫn tắc, quán xá vẫn mở cửa, mà bặt không một tiếng nhạc phát ra như thường thấy. Đêm Hà Nội vẫn sáng ánh đèn phố, quán cà phê vẫn mở cửa phục vụ khách, mà tịnh không một nốt nhạc, không một lời ca, tiếng hát… Quán trà vỉa hè vẫn ăm ắp hương trà chén nóng hổi đón người quen vị chan chát, ngòn ngọt của trà mạn, ghế nhựa vẫn kín người ngồi, nhưng không ầm ĩ nói cười như thường lệ…
Ông bạn già của tôi trầm ngâm: “Thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần đã làm bao trái tim người dân Thủ đô Hà Nội nghẹn ngào. Kính trọng, tiếc thương, quý mến... là những tình cảm chân thành, sâu sắc mà mỗi người dân Thủ đô dành cho một con người mẫu mực, tận tâm, tận hiến vì Đảng, vì nước, vì dân”.
Ông ấy nói đúng, ngay từ khi mới có thông tin về sức khỏe của vị Tổng Bí thư đáng kính, dù chưa công bố Quốc tang, người Hà Nội đã tự nguyện và thành kính với nốt trầm buồn tự trong trái tim mình, làm thành một khoảng lặng Hà Nội vô cùng sâu sắc.
Hà Nội những ngày giữa Hạ mưa nắng thất thường, ngồi dưới tán cây già trên đường Hoàng Diệu mà cảm nhận rõ sự lặng lẽ của phố phường và lòng người.
Ông bạn tôi nói cũng thật đúng, những gì khởi phát tự trái tim luôn có sức lay động thật lớn lao. Mỗi người một cách cảm nhận, một nghĩ suy, song rõ là người Hà Nội ai nấy đều đang có trong góc lòng mình mối quan tâm hướng về một người. Trái tim kết nối trái tim, lan tỏa nơi Hà thành một sự trân trọng, thành kính hoàn toàn tự nguyện. Người ta tự nguyện gác lại đàn ca sáo nhị, người ta tự nguyện không nói cười chốn đông người, người ta chờ đón những thông tin chính thức về Lễ Quốc tang, đọc và chuyền tay nhau những bài viết về cuộc sống bình dị của nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân, người ta tự nguyện dành tâm tư để suy ngẫm và cảm nhận…
Đó đích thực là tính cách Hà Nội “ẩn mình” trong cuộc sống công nghiệp buổi đô thị hóa, để rồi bất chợt hiển hiện khi trái tim lên tiếng.
Không chỉ những chương trình biểu diễn nghệ thuật dự kiến khai màn trong thời gian này tạm hoãn, mà các ông chủ phòng trà, quán cà phê ca nhạc cũng tự gác lại những đêm tác giả - tác phẩm, những buổi “hát cho nhau nghe” đã thành thông lệ. Rất nhiều buổi họp lớp, các buổi liên hoan mừng con “vượt vũ môn” thành công, các đêm mừng sinh nhật, thậm chí cả những đám cưới đã trao thiếp mời cũng lặng lẽ gửi “lời xin lỗi” đến quan khách hẹn một buổi khác thích hợp hơn.
Ông bạn già còn rưng rưng kể, gia đình con gái ông hủy chuyến đi nghỉ Hè ở Đà Nẵng, dù đã đặt phòng tháng trước. Hỏi nó lý do, nó chỉ nói giản dị rằng: nhà con muốn để dịp khác đi! Ông bảo: “Tôi thấy vui vì thấy con mình đã trưởng thành và mừng bởi đó cũng là cách ứng xử tinh tế của người Hà Nội!”.
Chợt nhớ đến Tổ dân số 1 Láng Hạ nơi tôi ở, như bao nhiêu tổ dân phố ở
Hà Nội bây giờ, luôn có nhóm cộng đồng dân cư được kết nối qua Zalo để chia sẻ những việc chung, nhắc nhau về an ninh trật tự, dịch bệnh, công tác xã hội…
Những ngày này, bà con không túm năm tụm ba chuyện trò như mỗi khi mà họ chia sẻ với nhau những bài báo, bài viết ân tình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua nhóm cộng đồng ấy với sự trân trọng đặc biệt. Hết thảy là sự tiếc thương, là niềm yêu kính, là sự tưởng nhớ chân thành và tự nguyện…
Khu chung cư 15B Đông Quan (quận Cầu Giấy) còn lặng lẽ thay những quảng cáo trên màn hình trong thang máy bằng những clip ngắn về vị Tổng Bí thư đáng kính cùng những dòng chữ tưởng nhớ đầy kính cẩn. Tôi biết, việc làm này không chỉ riêng có ở tổ dân phố nơi tôi ở và chung cư 15B Đông Quan kia.
Bởi mạng xã hội mênh mông thế, đa chiều thế, mà bao nhiêu bài viết ghi dấu tình cảm và nhân cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tải lên, thành kính và tiếc thương. Hơn thế, hình đại diện trên Facebook và Zalo của bao nhiêu người đã tự nguyện chuyển sang màu đen hoặc thay bằng hình lá cờ rủ như cách người ta chia sẻ sự ra đi của một người thân của mình. Những cách bày tỏ tình cảm, tưởng nhớ người đã khuất không ồn ào, nhưng thể hiện rõ tấm lòng của người Hà Nội, thật bình dị và đáng ghi nhận!
Thế nên càng hiểu, không khí ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh - nơi sinh ra và lớn lên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trầm lắng là vậy. Dân làng cứ lặng lẽ thương tiếc, lặng lẽ khóc, lặng lẽ ra đền làng, đình làng, chùa làng dâng hương hoa, rồi lặng lẽ dọn dẹp phong quang đường làng, ngõ xóm. Người làng lập ban thờ ông ở nhà văn hóa thôn Lại Đà, ngay sát đình làng để đến dâng hương tưởng nhớ ông. Tang lễ của ông là việc lớn của làng, nên mỗi người một tay giống như khi nhà có việc chuẩn bị cho lễ viếng, lễ truy điệu người đã khuất tại quê hương của ông được trang trọng, ấm cúng.
Ông bạn già lại thêm một lần trầm tư: “Những giọt mồ hôi của thế hệ trẻ, những giọt nước mắt của cụ già, trưởng lão trong làng đã nói lên tình cảm của người dân với ông”.
Người Hà Nội vẫn vậy, dù guồng quay cuộc sống kéo họ vào sự hối hả thường nhật, nhưng tình cảm và sự tinh tế thì vẫn vẹn nguyên trong cách sống và cách họ thể hiện tâm tư của mình. Không hào nhoáng nhưng thực sự sâu sắc, không ồn ào nhưng có sức lan tỏa lạ kỳ, tất cả đều ghi dấu sự tự nguyện từ sâu trong trái tim đa cảm và tinh tế của người Hà thành muôn thuở. Đó chính là văn hóa Hà Nội, là tính cách người
Hà Nội, không bao giờ phôi phai theo thời gian. Chắc chắn, với bản tính
Hà Nội, tinh thần, sự nghiệp của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là niềm tin, động lực để mỗi người dân Thủ đô tự nguyện noi theo, để đóng góp sức mình cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.