Điều đáng chú ý ở đây không phải là những nội dung vốn không có gì mới mà bởi thời điểm chúng được khẳng định và những lập luận cho việc khẳng định ấy.
Hiện tại, ở khu vực đang có nhiều biến động mạnh mẽ về chính trị an ninh, từ leo thang căng thẳng và đối đầu đến nguy cơ chiến tranh, từ chạy đua vũ trang đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Trong số những động thái ấy có không ít sự việc liên quan trực tiếp đến Triều Tiên. Điều mà trong lẫn ngoài khu vực hiện phải quan tâm đến nhiều hơn cả không phải là những gì đã xảy ra, mà những đồn đoán về khả năng Bình Nhưỡng lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Triều Tiên lập luận việc theo đuổi chương trình hạt nhân bằng viện dẫn chính sách thù địch của Mỹ và sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc.
Từ đó có thể thấy tác động tâm lý rất đáng kể của việc Triều Tiên hoạch định lại chính sách quân sự và quốc phòng. Sự phân biệt đối thủ của Triều Tiên khi coi Mỹ là nguyên cớ của chương trình hạt nhân nhằm để phân hoá Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó cho thấy tuy Triều Tiên vẫn đề cập đến nguy cơ xảy ra chiến tranh với Hàn Quốc nhưng cuộc chiến tranh ấy gần như không có khả năng xảy ra trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Những định hướng nói trên được đưa ra trước hết nhằm thể hiện và khẳng định quyết tâm kiên định những quan điểm chính sách từ lâu nay. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính Triều Tiên và đồng thời tới tất cả các đối tác bên ngoài khác.
Tác động tâm lý ấy cũng còn là sự chuẩn bị dư luận mà Triều Tiên cần có cho trường hợp tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân mới. Cho nên mới nói, chiến tranh thực thụ tuy sẽ khó xảy ra trên bán đảo, nhưng chiến tranh tâm lý thì sẽ còn nhiều lần nữa xảy ra chứ không chỉ riêng hiện giờ.