Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm sự của những thợ khóa từng mắc lừa "đạo chích"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Như thường lệ, cứ mỗi buổi sáng sớm, chuyến xe buýt chạy qua làng Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội có rất đông người đứng chờ xe.

Trên tay mỗi người đều xách theo một hộp gỗ và những xâu chìa khóa to nhỏ để tỏa đi khắp các phố phường  trên địa bàn Thủ đô. Những người thợ chuyên hành nghề sửa khóa đều xuất thân hoặc có gốc từ làng Tương Chúc nổi tiếng này, và có thể tự tay mở được bất kỳ loại khóa nào, dù sản xuất trong hay ngoài nước.

Cả làng cắt khóa

Không ai nhớ được cái nghề cắt khóa ở làng mình có từ bao giờ, mà chỉ biết rằng, cái nghề "truyền thống" này có từ hàng trăm năm nay. Ông Nguyễn Văn Chính năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, đôi tai rất "thính" vẫn nghe tiếng vòng bi, tiếng bánh răng kêu trong ổ khóa của những chiếc két bạc cổ. Ông được dân trong nghề tôn làm "sư phụ" bởi trình độ và "tuyệt chiêu" mở két bạc mà chưa ai có thể học được ở ông.

Ông không thể nhớ nổi rằng mình đã làm và cắt mới bao nhiêu chiếc chìa khóa trong suốt hơn 50 năm hành nghề. Cái nghề sửa khóa đã nuôi sống ông và gia đình, thậm chí giúp ông có của ăn của để như ngày nay. Tuy nhiên, ông đã phải trải qua không ít những thăng trầm của cái "nghề độc nhất vô nhị" này và có khi lại "gieo họa" cho cuộc đời mình. Ông Chính kể lại: Năm 1962, với cái biệt tài mở khóa của mình tôi đã bị công an tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) gọi lên "hỏi thăm" vì nghi ngờ tôi có liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản. Nhưng sau khi mời lên xét hỏi, tôi được thả ngay vì cơ quan chức năng không có cơ sở và bằng chứng tôi là thủ phạm của vụ án đó.

Ông cho biết thêm: Trong cuộc đời làm nghề sửa và cắt chìa khóa chưa bao giờ tôi phải bó tay trước một cái khóa hay một chủng loại khóa nào. Nhiều tình huống tôi chỉ cần 2 chiếc dũa xe đạp làm nhọn hai đầu là có thể xử lý được tất cả các loại khóa bi lá của ôtô, xe máy. PV hỏi tiếp: Liệu ông có một chìa khóa vạn năng nào để mở các loại khóa không? Ông hồn nhiên đáp: Cái gọi là chìa khóa vạn năng thực chất chỉ là những chìa khóa được chế tác sẵn với các rãnh, còn những chiếc răng cưa của khóa thì theo một khuôn mẫu chung hay nó na ná giống nhau cả. Các loại khóa thông thường được cấu tạo với những bước bi gần giống nhau. Đại đa phần các thợ có thâm niên sửa khóa đều làm ra cho mình một chùm chìa khóa vạn năng!.

Thế hệ ông làm nghề sửa khóa chưa có phôi bán sẵn như bây giờ, muốn làm ra một chìa khóa mới ông phải làm thêm rất nhiều công đoạn như: Tạo phôi từ những lá tôn mỏng, đo đạc, đánh dấu, dũa, mài… rất kỳ công. Theo thống kê sơ bộ, hiện làng mở khóa Tương Chúc có hàng trăm người chuyên sống bằng nghể sửa chữa khóa trên khắp phố phường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Nhưng có lẽ nơi tập trung đông nhất những người thợ khóa của làng là ở khu vực phố cổ, cổng các trường đại học, cao đẳng, hoặc các khu chợ có đông người qua lại…

Ông Lý, một thợ khóa lâu năm chuyên "ngồi thiền" cạnh nhà máy giày Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho biết: Hiện nay, cái nghề sửa khóa này kiếm sống cũng khó khăn lắm và cũng ít người cắt hơn trước. Hôm nào "may mắn" thì mới làm được mươi chiếc, còn không thì ngồi uống nước trà đá cùng điếu thuốc lào để giết thời gian hoặc kiếm tờ báo đọc cho đỡ buồn. Tuy nhiên, cái nghề vốn đã khó kiếm sống này đã buồn tẻ vì vắng khách lại còn luôn phải để mắt tới công an. Nhất là những tháng cao điểm về trật tự đô thị hoặc những ngày giáp tết, công an phường và các tổ dân phòng đi "truy lùng" ghê lắm. Có hôm đang ngủ gật, bất ngờ đội dân phòng ập đến tôi phải té vội, may mà cái đồ nghề nó gọn nên thoát được chứ không nếu bị thu thì tôi ngồi còng lưng, hít bụi đường phố cả tháng trời không kiếm được hòa vốn.

Thăng trầm nghề… cắt khóa

Dừng xe ngồi uống chén nước trà trước cổng làng Tương Chúc, bác hàng nước vừa rót nước cho khách vừa đùa: "Chú khóa xe cẩn thận nhé không mải ngồi uống nước xe máy "bốc hơi" mất đấy. Đến làng này, thằng trẻ con cũng có thể mở thạo các loại khóa. Còn riêng với khóa xe máy thì chúng mở chưa đầy 30 giây! Tôi giật mình. Bà chủ quán nước tiếp lời: Ở làng mở khóa này là thế. Trẻ con trong làng ngay từ nhỏ đều được gia đình "dạy" cách sửa khóa.

Đang nhâm nhi chén nước trà, thấy anh Tuấn xách chiếc thùng gỗ từ trong cổng làng đi ra vì có người yêu cầu cắt chìa khóa ngay tại quán nước. Anh Tuấn mở đầu câu chuyện nghề nghiệp của mình bằng cái chỉ tay vào chiếc thùng gỗ chứa đồ nghề sửa khóa nói: Chú em cứ chịu khó để ý người thợ cắt khóa nào mà thấy cạnh thùng gỗ mòn nhiều, nhiều rãnh thì đó là những ông thợ đắt… hàng. Vì các chìa khóa thường tì lên thành các thùng gỗ để mài dũa. Anh kể tiếp: Có lần tôi được một thanh niên kêu về nhà trên phố Hào Nam để mở khóa và tiền công rất hấp dẫn. Tôi đang loay hoay mở thì bị hai người trong đội an ninh khu vực túm vai dẫn về đồn. Tôi giải thích một hồi lâu, và bảo người thanh niên này thuê mình mở khóa nhà giúp vì quên chìa khóa. Quay lưng tìm thì người thanh niên đó đã lặn "mất tăm". Lúc đó tôi mới biết mình đã bị một tên đạo chích lừa mở khóa nhà người khác để định chôm đồ. Tôi giải thích với tổ dân phòng nếu là người xấu thì tôi không bao giờ lại dựng xe đạp ngay trước cửa và một thùng gỗ to tướng để thực hiện ý đồ gian dối cả. Sau lần đó, tôi đã rút ra được bài học xương máu cho công việc của mình. Và mỗi khi có khách mời về nhà phá khóa như vậy, tôi thường dò hỏi kỹ và hỏi thêm hàng xóm bên cạnh xem đó có đúng là nhà gia chủ đó không. Nếu họ bảo đúng thì mình mới bắt đầu làm. Câu chuyện đang rôm rả bỗng nhiên anh trầm xuống: Bây giờ chỉ cần nhìn qua thái độ của người có nhu cầu cắt khóa thật hay kẻ gian là tôi biết ngay.

Nói đến làng mở khóa Tương Chúc không thể không nhắc đến một vị "cao nhân" khác đó là ông Vũ Văn Khiến, một người rất nổi tiếng bởi tốc độ mở khóa nhanh đến kinh ngạc. Ông ngồi ở cạnh Nhà hát Lớn từ vài chục năm nay. Theo những người trong nghề kể: "Một lần có một anh xe tải bỏ quên chìa khóa trong xe cầu cứu đến ông, chỉ qua vài thao tác chưa đầy 15 giây tính từ khi đưa hai thanh dũa vào ổ khóa cánh cửa lập tức mở ra. Không chỉ vậy, ông cũng được xếp vào hàng "cao thủ" bởi độ rủi ro của nghề nghiệp.

Ông tâm sự đã bị "ăn đấm" khi đang gồng mình mở khóa chiếc xe máy. Một cô gái đến bảo ông mở giúp chiếc xe máy với lý do cô ta đánh rơi chìa khóa. Thấy vậy, ông cứ thản nhiên mở khóa càng thì bị một người thanh niên chạy đến "tặng" luôn quả đấm vào mặt. Không hiểu thế nào quay sang cô gái thì không thấy cô ta đâu cả. Chỉ đến khi đám thợ khóa cùng hành nghề với ông đứng ra làm chứng cho sự việc thì ông mới thoát được vụ vào đồn công an. Đó là một trong những vụ ông gặp rắc rối.

Mặc dù là người gặp nhiều rủi ro trong nghề mở khóa, song ông cũng là người may mắn nhất bởi được nhận những đồng tiền "thưởng" chính đáng. Ông khoe: Một lần, có "ông tây" dừng xe máy trước cửa Nhà hát Lớn, do mải mê chụp ảnh nên đánh rơi chìa khóa trong khi người đó lại khóa cổ rất cẩn thận. Không còn cách nào khác, “ông tây” nọ đành kêu ông đến cắt giúp chìa khóa. Ông chỉ mất đúng hai phút làm xong chìa khóa mới, ông khách kia mừng quá tặng luôn cho ông 30 đô và cảm ơn rối rít. Đó cũng là ngày làm ăn đáng nhớ nhất trong đời cắt khóa của ông Khiến.

Nghề làm chìa khóa ngày nay không còn dễ kiếm tiền như trước, bởi thường thì khi bị mất chìa khóa, chủ nhân của nó không ngần ngại thay cả ổ khóa mới cho an toàn.

Bởi vậy những người hành nghề cắt khóa ngày càng phải cẩn trọng tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa bịp và gánh những hậu quả không đáng có.