Tâm sự của quý ông nhân “ngày quý bà”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hoa tươi trong ngày này chắc là không thể thiếu. Tất nhiên cũng có những quí ông cho rằng nó phù phiếm, chỉ cần tình cảm là được.

KTĐT - Hoa tươi trong ngày này chắc là không thể thiếu. Tất nhiên cũng có những quí ông cho rằng nó phù phiếm, chỉ cần tình cảm là được. 

8/3 là ngày vui của chị em, vậy cánh đàn ông Việt ở Nga chúng ta làm gì nhỉ. Có “dành” hết công việc hàng ngày của chị em. Có vào bếp khoác tạp dề sửa soạn một bữa tiệc thịnh soạn (hoặc nho nhỏ) thết đãi những người phụ nữ của mình...

Hoa tươi trong ngày này chắc là không thể thiếu. Tất nhiên cũng có những quí ông cho rằng nó phù phiếm, chỉ cần tình cảm là được. Nhưng vậy liệu có cần thêm những món quà tặng nho nhỏ xinh xinh không nhỉ? Hay các quí ông lại “vũ như cẫn”, lại gật gù bên chén rượu Vodka, vại bia với bè bạn. Và lại là cảnh các bà vợ đảm đang vẫn “phục dịch” như mọi ngày.

 

Khơrasô! Các quí ông đó thật là “dũng cảm”(!), dám bình chân như vại với cái ngày mà cả năm chị em mới có một niềm vui xả “xì trét”. Cái ngày mà cả thế giới cách đây gần thế kỉ đã phải đấu tranh cho lợi quyền của phái yếu khỏi sự bất bình đẳng nam - nữ. Tôi dám chắc 99 % các quí ông sẽ lăn xả “hi sinh” vì chị em trong ngày này! (tất nhiên tôi cũng sẽ nằm trong số đó).

 

Có một điều rằng, chị em ta ở xứ sở bạch dương (nước Nga) bao lâu nay đã chịu đựng nhiều vất vả quanh năm, nhất là với những người “…buôn bán ở ven sông”. Họ phải thức khuya, dậy sớm từ 4,5 giờ sáng để dầm mưa đội tuyết lạnh âm hàng chục độ C, cùng chồng con kiếm những đồng rúp quí giá nhiều khi phải đổi bằng xương máu và nước mắt! (thậm chí có khi phải chịu nhiều cảnh tủi nhục ngoài xã hội khác mà khó nói nên lời, bởi nó... “nhạy cảm” lắm!)

 

Ngày này, cán bộ công chức, sinh viên, học sinh nữ…trên toàn thế giới (trong đó có khá nhiều chị em người Việt ở Nga) được nghỉ và dĩ nhiên là cánh đàn ông cũng được “ăn theo”. Vậy nhưng những chị em làm việc trong các xưởng may, nông trại…có được các ông bà chủ lưu tâm dù chỉ là 1/2 ngày? Còn những chị em bán buôn ở các trung tâm thương mại và chợ trời nữa. Có lẽ họ vẫn phải bươn chải để kiếm đồng rúp như mọi ngày thôi.

 

Và cũng do cái quan niệm của người Việt vốn xưa nay cũng không mặn mà lắm với những kiểu lễ lạt như vậy, nên có khi họ còn tranh thủ chợ búa miệt mài hơn vào những ngày lễ để còn kiếm thêm đồng ra đồng vào nhằm “chống móm” ấy chứ.

Còn về đến nhà thì sao nhỉ. Tôi đã từng chứng kiến cảnh nhiều quí ông đi làm về là nằm khểnh xem tivi, hút thuốc, tán gẫu hoặc ung dung dạo chơi…mặc cho các chị loay hoay trong bếp với hàng tá công việc không tên. Sao thế nhỉ, cùng ngủ cùng thức cùng đi làm như nhau, sao lúc về nhà lại có cảnh khó coi bất công như vậy? Cái quan niệm phong kiến phương đông cổ hủ của ta  đó cần loại bỏ khỏi tiềm thức ngay thôi,  nhất là chúng ta lại đang sống ở trời Âu với quan niệm "Ladies First!"

Trong nhà mà không có bàn tay người phụ nữ thì chẳng biết mọi chuyện sẽ như thế nào nhỉ. Nhưng trong nhà nếu không có bàn tay của người đàn ông thì càng không thể nên cơm cháo gì – bởi họ là trụ cột gia đình. Bởi vậy trong gia đình luôn cần có sự  hài hòa, vợ chồng luôn như thể “môi với răng”. Nhưng phụ nữ vốn được ví như những nhành hoa, bàn tay đàn ông chúng ta to khỏe mấy vẫn cần luôn nâng niu họ.

 

Chẳng biết nói gì hơn, thôi thì… ngày 8/3, các quí ông người Việt ở Nga chúng ta hãy làm những gì mà trái tim mạnh mẽ của đấng nam nhi mách bảo! Chúc cho mọi người, mọi nhà vui vẻ hạnh phúc trong một ngày thực sự thân thiết này! Chúc cho chị em người Việt đang làm ăn sinh sống ở Nga (và cả ở VN) có một niềm vui trọn vẹn ngày quý bà 8/3. Mong chị em cứ trẻ mãi, đẹp mãi cho các anh em... nhờ.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần