Tâm thế hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những thành công trong năm qua đang cổ vũ cho doanh nghiệp Việt Nam bước sang năm 2016 với một tâm thế mới: hồ hởi , tin tưởng quyết tâm vượt qua mọi thử thách.

Không ngồi chờ cơ hội

Ði đầu trong tiến trình hội nhập, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê, tính từ 1/1 đến 15/12/2015, xuất khẩu sản phẩm CNTT đã đạt 34,32 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm CNTT hàng đầu thế giới.

Vậy bằng cách nào, các DN Việt Nam lại gặt hái được những thành công lớn như vậy? Có thể trả lời câu hỏi này qua tấm gương của Tổng công ty Ðiện tử Tin học Việt Nam.

Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty trong một cuộc hội thảo gần đây đã nói: Cái khó của ngành điện tử tin học là đi lên từ con số 0. Ðể khắc phục hạn chế này, các DN Việt Nam đã khai thác triệt để vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến qua con đường liên doanh, hợp tác.

Ngay khi đất nước bắt đầu mở cửa, hầu hết các tập đoàn hàng đầu thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, không chỉ để tiêu thụ sản phẩm mà còn là để đầu tư lâu dài với quy mô lớn và ngày càng tăng như Samsung (đang dẫn đầu với qui mô đầu tư gần 6 tỉ USD), Intel (trên 1 tỉ USD). Các tên tuổi nổi tiếng như Microsoft, IBM, HP, Alcatel – Lucent đều đang đầu tư vào Việt Nam. Ðể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, Việt Nam đã kịp thời tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.  290 cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề đã đi vào hoạt động.
Tâm thế hội nhập - Ảnh 1
Năm 1998, Tổng công ty đã rút nhân viên làm việc ở các liên doanh về và thành lập các bộ phận thiết kế, chế tạo các sản phẩm thương hiệu Việt Nam và kết quả năm 2000 đã đưa ra các sản phẩm như BELCO của Công ty Ðiện tử Biên Hoà, Vitek VTB của Công ty Ðiện tử Tân Bình với giá cả cạnh tranh. Ông Hùng còn cho biết, sản phẩm máy tính thương hiệu Việt Nam đã được tiến hành đến gần thời kỳ cuối, chuẩn bị đưa ra thị trường với hệ điều hành mang thương hiệu Việt Nam và với giá thành chỉ bằng 1/5 giá thành của Windows.

Tuy nhiên, những khó khăn của ngành điện tử Việt Nam đó là chúng ta chưa phát triển công nghiệp phụ trợ, cho nên, việc nội địa hoá rất khó khăn. ‘’Chúng tôi đang nghiên cứu con đường nội địa hoá bằng cách mua nguyên vật liệu và phụ tùng linh kiện chính của nước ngoài nhưng dùng chất xám của Việt Nam để thiết kế, chế tạo những thiết bị mang thương hiệu Việt Nam’’ ông Hùng nhấn mạnh.

Khác với ngành CNTT, ngành dệt may và da giày lại bứt phá ngoạn mục nhờ tận dụng tốt lợi thế và những cơ hội mới. Số liệu thống kê cho thấy sự phát triển vượt bậc của hai lĩnh vực này. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đến năm 2025 có thể đạt trên 50 tỷ USD; da giày sẽ  đứng thứ 3 trên thế giới. Cùng với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác, dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do. Dệt may Việt Nam đang nhận được sự đầu tư lớn từ nước ngoài, trong đó có Mỹ và EU. Tuy nhiên, dệt may Việt Nam mới chủ yếu sản xuất gia công (chiếm đến 70%), nên giá trị gia tăng thấp. Do đó, đòi hỏi các DN phải nỗ lực chuyển đổi phương thức sản xuất. Bởi sản xuất FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian), giá trị gia tăng lên từ 7 - 10%, còn theo phương thức ODM (chủ động từ nguyên liệu đến thiết kế), giá trị có thể tăng từ 30 - 40%. Hiện các DN Việt Nam đang đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu để thực hiện sự chuyển đổi nói trên.

Cũng giống như ngành dệt may, ngành da giày cũng đang tận dụng lợi thế cạnh tranh. Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam Nguyễn Ðức Thuấn ví von: “Ðơn hàng xuất khẩu da giày đang như dòng thác chảy vào những chỗ có lợi thế, vì vậy thách thức đối với ngành da giày Việt Nam là phải chớp được cơ hội vàng này”.

Ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội

Trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nông nghiệp được xem là ngành có nhiều lợi thế nếu biết tận dụng cơ hội. Ðơn cử như thủy sản là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ các cam kết cắt giảm thuế quan. Các nhà máy chế biến thủy sản XK của Việt Nam hiện có trang thiết bị, công nghệ hiện đại tầm cỡ thế giới với năng lực chế biến rất cao. Trong số 612 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp đạt quy chuẩn an toàn thực phẩm của ngành, có tới 461 nhà máy đạt điều kiện XK sang EU (chiếm 75%). Tính chuyên nghiệp của các DN chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ngày càng được nâng cao, vì vậy đã chủ động điều tiết và phát triển thị trường, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ngày càng tăng.

Ngành sản xuất lúa gạo cũng đã đạt được những thành tựu trên đường hội nhập. Bộ NN&PTNT Việt Nam ước tính xuất khẩu gạo năm 2015 đạt 6,7 triệu tấn, trị giá 2,85 tỷ USD (chưa tính đến lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc - ước khoảng 1,5 triệu tấn). Với Hiệp định TPP được ký kết, Bộ NN&PTNT nhận định: Thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn, thị trường chuỗi cung cấp mới sẽ được hình thành, giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống hay bị thay đổi. Quan trọng hơn, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế suất xuống 0% theo lộ trình sẽ giúp Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước có cùng điều kiện sản xuất.

Chiến lược Hội nhập kinh tế ngành NN&PTNT đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng là tiền đề để ngành nông nghiệp chuẩn bị sẵn hành trang tham gia cuộc chơi hội nhập kinh tế quốc tế.Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất tại 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam... Ðể đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ sẽ thực hiện nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu gạo Việt Nam; phát triển thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương; phát triển thương hiệu DN, nhãn hiệu sản phẩm gạo...

Những thành quả đã đạt được trong quá trình hội nhập đã tạo ra tâm thế hội nhập và khí thế mạnh mẽ của DN Việt Nam trong cuộc cạnh tranh và hợp tác toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần