70 năm giải phóng Thủ đô

Tạm trữ cà phê để cứu nông dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ quả có một hạt nhiều, cộng với tác động của mưa khiến lượng hoa được thụ phấn giảm, hoa ra không tập trung, rải rác làm nhiều đợt nên thu hoạch gặp khó khăn.

KTĐT - Nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ quả có một hạt nhiều, cộng với tác động của mưa khiến lượng hoa được thụ phấn giảm, hoa ra không tập trung, rải rác làm nhiều đợt nên thu hoạch gặp khó khăn.

Các Bộ: NNPTNT, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước vừa đồng ý cho một số doanh nghiệp vay lãi suất bằng 0% để mua tạm trữ càphê, giúp nông dân không bán tháo gây tổn thất trong nhiều vụ vừa qua.

Thông tin trên được ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Cacao VN (Vicofa) cho biết.

Sản lượng tụt giảm nghiêm trọng

Tại 2 thị trường Ice New Work và đặc biệt là Nyse liffe London (thị trường chi phối giá càphê cả thế giới), theo các chuyên gia, tại phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy, giá đã bị đè xuống với mức thấp. Điều này rất bất thường bởi nguồn cung lại khan hiếm. Theo phán đoán của một chuyên gia, khả năng các nhà đầu cơ và quỹ đầu cơ ở 2 thị trường này bắt tay nhau ghìm giá. Trong bối cảnh đó, nơi nào thu hoạch rộ kỳ này sẽ chịu bất lợi về giá và tất nhiên, người cuối cùng gánh nạn là nông dân trồng càphê.

Việt Nam - nước xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Brazil) lại rơi đúng vào thời điểm “nhạy cảm” trên. Theo Vicofa, hiện niên vụ càphê mới 2009 – 2010 của Việt Nam cơ bản đã thu hoạch xong. Chất lượng càphê vụ này tốt hơn nhiều so với niên vụ trước, nhưng sản lượng lại sụt giảm tới 30%.

Nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ quả có một hạt nhiều, cộng với tác động của mưa khiến lượng hoa được thụ phấn giảm, hoa ra không tập trung, rải rác làm nhiều đợt nên thu hoạch gặp khó khăn. Ngoài ra, tác động của cơn bão số 9 đến càphê ở một số vùng, cùng với hiện tượng vàng lá rụng quả tăng lên đáng kể ở Tây Nguyên càng làm sản lượng bị sụt giảm.
 
Hiện giá bán càphê nhân xô được niêm yết tại Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đắc Lắc khoảng 24,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đây là mức giá “trần”, còn thực tế thì nhiều hộ nông dân chỉ bán được với giá 23 – 23,5 triệu đồng/tấn (giảm 2,5 – 3 triệu đồng/tấn so với tháng 6.2009 và giảm 50% so với vụ 2007 – 2008 - giá đạt 45 triệu đồng/tấn).

Đó là chưa nói, khoảng cách về giá giữa càphê arabica và robusta đã tăng từ 1,88 lần hồi tháng 7.2009 lên mức 2,29 lần thời điểm tháng 12.2009. Điều này đã và đang gây thiệt hại đáng kể đối với những nước xuất khẩu càphê robusta như Việt Nam.

May mắn, theo ông Lương Văn Tự đúng thời điểm này, Bộ NNPTNT, Ngân hàng và Bộ Công Thương lại đồng ý với kiến nghị mua tạm trữ càphê của Vicofa, sẽ hỗ trợ lãi suất bằng 0% cho các DN để thu mua khoảng 200.000 tấn càphê cho nông dân nhằm chặn đà giảm giá.

Vicofa cho hay, việc hỗ trợ sẽ triển khai ngay để giúp nông dân không bán tháo hàng khi niên vụ thu hoạch 2010 kết thúc.

Lời cảnh báo cho các DN

Theo ông Nguyễn Vỹ (chuyên gia phân tích càphê của Cty CP thương mại Hoa Đào-TPHCM), tại các phiên giao dịch ở 2 thị trường Ice New Work và Nyse liffe London, trong khoảng 1 tuần trở lại đây cho thấy dấu hiệu các DN Việt Nam chào hàng theo phương thức trừ lùi đang gia tăng.

Cảnh báo của Vicofa, DN không nên bán theo phương thức trừ lùi mà nên bán hàng giao ngay (out right). Niên vụ 2008-2009, nhiều DN bị thiệt hại nặng bởi phương thức bán trừ lùi. “Khi bán out right đem lại hiệu quả kinh doanh, đồng thời có sự thống nhất của 20 DN xuất khẩu càphê hàng đầu Việt Nam (chiếm hơn 80% số lượng càphê xuất khẩu cả nước) thì sẽ thành công” - ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch CLB các DN xuất nhập khẩu càphê hàng đầu Việt Nam khẳng định!

Đáng lưu ý, do khủng hoảng kinh tế nên một số nhà nhập khẩu rơi vào khó khăn tài chính và những hiện tượng chậm trả hoặc “xù” hợp đồng, gian lận đã diễn ra. Vì vậy, DN nên xem xét kỹ các đối tác của mình, quản lý chặt khâu pháp lý khi ký hợp đồng để đảm bảo quyền lợi.