Tâm tư, kỳ vọng của tầng lớp nghệ sĩ, trí thức vào Hội nghị Văn hoá toàn quốc

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã diễn ra theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. Bên lề Hội nghị tầng lớp nghệ sĩ, trí thức và các đại biểu tham dự đã thể hiện những tâm tư, kỳ vọng về Hội nghị lần này.

"Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” - là tầm nhìn, là định hướng chiến lược, là sự tôn trọng và đánh giá đúng vai trò nền tảng của văn hoá - là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc vượt qua đêm đen, đi đến tương lai tươi sáng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
PGS.TS Phạm Quang Long – nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội: Mong muốn Đảng chấn hưng được dân khí và tạo dựng được lòng tin trong Nhân dân
Nói cho đúng với lịch sử thì từ khi mới thành lập Đảng đã chú ý tới vai trò của văn hóa trong cuộc cách mạng xã hội. Chưa bao giờ vấn đề văn hóa và con người trong quan điểm của Đảng bị xem nhẹ nhưng trước đây do nhận thức chưa đầy đủ, do thực hiện chưa đồng bộ mà mục tiêu văn hóa và con người chưa phát triển như mong muốn.
Chính vì vậy, trước Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này tôi vừa kỳ vọng vừa thấp thỏm. Kỳ vọng vì chưa bao giờ trong tôi mong muốn Đảng chấn hưng được dân khí và tạo dựng lòng tin trong Nhân dân lại đặt ra lớn lao và cấp bách như lúc này. Với tôi, từ điều này sẽ là động lực cho những hoạt động khác. Được lòng dân sẽ có tất cả. Vì thế mà tôi kỳ vọng. Nhưng cũng lo lắng ở chỗ không ít lần nhiều phong trào lớn như học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, chỉnh đốn Đảng lớn như thế, hay như thế mà hiệu quả chưa được như mong muốn. Vui và lo xen lẫn nhau là vì vậy.
TSKH Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật T.Ư: “Cần thay đổi nhận thức về văn hóa”
Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá có thể chỉ cần gói gọn trong câu: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Đây là tầm nhìn, là định hướng chiến lược, là sự tôn trọng và đánh giá đúng vai trò nền tảng của văn hoá - là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc vượt qua đêm đen, đi đến tương lai tươi sáng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam luôn coi trọng văn hoá một cách thực chất và thực sự. Trong sự phát triển xã hội, văn hoá không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là cả nền tảng vật chất của xã hội. Thước đo xã hội phát triển chính là văn hoá. Chính văn hoá điều tiết sự phát triển xã hội, định hướng sự phát triển và là đích phấn đấu của xã hội.
Kỳ vọng thì rất nhiều, nhưng trước mắt, qua Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này, tôi mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm thật sự, thực chất, cụ thể, thiết thực và nhiều hơn đến lĩnh vực “nền tảng” này. Cần thiết kiện toàn lại đội ngũ quản lý văn hoá, thay đổi tư duy, nhận thức cho rằng “cờ, kèn, đèn, trống… là trò tiêu khiển, là mua vui, chỉ biết tiêu tiền…” của văn hoá. Có làm được như vậy thì “nền tảng” mới vững chắc, sự phát triển xã hội mới hy vọng được bền vững, vận hội và cơ đồ của dân tộc mới được củng cố, ngày càng phát triển và sự “soi sáng” của văn hoá mới phát huy được tác dụng.
 Ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Cần có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu"

Đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống, giỏi nghề, vẫn hết sức thiếu vắng và đang bị đứt gẫy về sự kế tục. Vấn đề đang đặt ra cho những người làm nghề trách nhiệm và thách thức rất lớn, đó là phải tìm cách thoát khỏi hiện trạng sân khấu đang mất trắng khán giả, nhất là sân khấu truyền thống. Nếu không tìm cách giải quyết kịp thời thì sân khấu truyền thống sẽ có nguy cơ tụt hậu, đứng trước thách thức lớn trong việc tồn tại và phát triển.

Ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống ,giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác. Cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đó là đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng cơ chế đặc thù … là gửi người đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật. Xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khôi phục dần sự khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo của văn học nghệ thuật. Nhà nước cũng nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho “Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật ” để đặt hàng sáng tác cho cả các đơn vị công lập và ngoài công lập tạo sự công bằng bình đẳng, nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội. Đặc biệt, phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại nhằm tổ chức đối thoại với người xem, bằng những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động vấn đề đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong cuộc sống hôm nay.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam: "Vai trò chủ thể, là trách nhiệm tự thân của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà"
Mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và nghị lực. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ, vì thế mà văn nghệ sĩ xưa nay đều được coi là “của hiếm” trong nhân gian.
Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, các ban, bộ, ngành T.Ư và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”: Tăng cường tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện sớm; tăng cường đầu tư để các học viện, nhà trường có thêm những điều kiện thuận lợi để đào tạo liên tục, lâu dài các em học sinh có tài năng, năng khiếu; Tạo điều kiện để các em được đào tạo ở những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, như thế hệ cha anh ngày trước từng được đào tạo; Tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng của mình và đóng góp to lớn hơn, chất lượng hơn cho xã hội, cho đất nước; Đảng, Nhà nước và xã hội, nhất là các tổ chức, hội đoàn, DN cần có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt và có những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước; Vai trò chủ thể, là trách nhiệm tự thân của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà.
Những thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật đã đạt được từ khi đất nước đổi mới đến nay chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước.

Ths Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: "Khẳng định vai trò của Nhiếp ảnh trong đời sống văn hoá - xã hội của đất nước"

Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật có khả năng bám sát cơ sở nhất, được quần chúng yêu thích và hưởng ứng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận là ở mỗi giai đoạn đội ngũ nghệ sĩ đều có cố gắng, có những thành tựu và đóng góp đáng ghi nhận, nhưng phải thẳng thắn là những thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật, trong đó có Nhiếp ảnh đã đạt được từ khi đất nước đổi mới đến nay chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước, còn ít những tác phẩm đi vào lòng người. Cần quan tâm đến một số vấn đề: Hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư hơn nữa để có chính sách tạo và bồi dưỡng nhân tài ở cả trong và ngoài nước, phát triển đội ngũ nhiếp ảnh kế cận trẻ cho tương lai đất nước; Cần sớm bổ sung việc xét tặng các danh hiệu này cho cả các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định. Nhìn lại chặng đường qua, tuy vẫn còn những hạn chế nhưng nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống văn hoá - xã hội của đất nước. Văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung, nhiếp ảnh Việt Nam có quyền tự hào về những đóng góp của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần