Tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 40 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đó là thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đến hôm nay, thắng lợi ấy càng được khẳng định và trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

 1. Đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện lịch sử năm 1975, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc".
Quân và dân Thừa Thiên - Huế tiến vào giải phóng TP Huế. Ảnh tư liệu
Quân và dân Thừa Thiên - Huế tiến vào giải phóng TP Huế. Ảnh tư liệu
 
Các nghiên cứu lịch sử cũng đã chứng minh, thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975 là kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố nội lực là quan trọng nhất; đó là sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Sau cuộc chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc năm 1954, Nhân dân cả nước ta đã đấu tranh vô cùng anh dũng và bền bỉ để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm, với tốc độ thần kỳ "một ngày bằng 20 năm", được mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, với trận đột phá then chốt Buôn Ma Thuột. Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước chuyển mới về chiến lược đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Hai chiến dịch kế tiếp nhau: Chiến dịch Trị Thiên - Huế và Chiến dịch Đà Nẵng đã giải phóng hoàn toàn vùng Duyên hải miền Trung. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - Phủ Tổng thống ngụy. Ngay sau đó, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại như Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc đã được giải phóng. Cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải từ Móng Cái đến mũi Cà Mau.

2. Đã 40 năm đã trôi qua, độ lùi thời gian càng làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng thời, giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, sâu sắc và toàn diện hơn sự kiện này. Những cuộc hội thảo khoa học về "Đại thắng mùa Xuân năm 1975" gần đây tiếp tục lý giải nền tảng làm nên chiến thắng. Như Đại tướng Phạm Văn Trà đã nhận định: "Một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là một bài học sâu sắc là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, huy động sức mạnh của cả nước thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều hoạt động đã được tổ chức. Trong đó, nổi bật là hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng các tỉnh, TP như Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế… Tại TP Hồ Chí Minh cũng vừa diễn ra Hội thảo khoa học cấp Nhà nước với chủ đề "Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình". Các sự kiện này đã làm rõ hơn những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Và có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc, đó chính là cội nguồn sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Với vai trò là "hậu phương lớn" cho chiến trường miền Nam, khắp các địa phương của miền Bắc đã dấy lên những phong trào thi đua "Vì miền Nam ruột thịt" như phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", nông dân "Tay cày tay súng", công nhân "Tay búa, tay súng", học sinh "làm nghìn việc tốt"… Thực hiện mục tiêu duy nhất là "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", 70% gia đình ở miền Bắc đều có người thân chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Tại Hà Nội, chỉ tính riêng từ năm 1965 - 1975, đã tiến hành 29 đợt tuyển quân với 262.972 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ; đồng thời trực tiếp huấn luyện 119 tiểu đoàn tăng cường cho các chiến trường, động viên 89.000 thanh niên, dân quân dự bị bổ sung cho các quân binh chủng và trực tiếp chi viện cho các chiến trường… Chỉ riêng 4 tháng đầu của năm 1975, miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, góp phần quyết định để quân và dân ta mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn.

3. Đã 40 năm, non sông liền một dải, người dân Việt Nam sống trong hòa bình độc lập, lịch sử Việt Nam đã bước sang một trang mới của thời đại mở cửa và hội nhập cùng thế giới. Những mất mát, đau thương dẫu chưa thể xóa nhòa, nhưng đã nhường chỗ cho niềm tự hào của thế hệ trẻ về những lớp cha anh đã "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam những bài học lớn về huy động và tổ chức lực lượng, tạo dựng và đón bắt thời cơ, táo bạo và quyết liệt trong hành động... Những bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong hành trang của dân tộc bước vào tương lai.

40 năm sau ngày thống nhất đất nước, nhất là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế cả nước liên tục tăng trưởng, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên rất nhiều, tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Trước những thành quả ấy, những bài học, kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và hội nhập sâu rộng quốc tế hiện nay.