Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tầm vóc mới của Hà Nội mở rộng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính và 8 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, mà còn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Thưa ông, sau 8 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tính thống nhất của đề án này được thể hiện thế nào?

- Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP đã triển khai công tác xây dựng chiến lược quy hoạch, cũng như cơ chế chính sách phát triển Thủ đô trên địa bàn mở rộng và tầm nhìn chiến lược mới. TP đã tổ chức rà soát 642 đồ án, dự án và kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng để tạo ra sự thống nhất chung, hoàn thành việc rà soát, đề xuất cho dừng, giãn và hoãn, chuyển đổi mục đích đầu tư các dự án không phù hợp với quy hoạch.
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đặc biệt, từ khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt vào năm 2011 đến nay, TP đã phê duyệt 136 đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, các dự án hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị. Trên cơ sở quy hoạch chung này, Thủ đô đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, đáp ứng với nhu cầu phát triển của giai đoạn mới hiện nay.

Theo ông, những thay đổi căn bản nhất là gì?

- Thay đổi căn bản nhất là hệ thống hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Nhiều khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã được xây dựng như Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, Vinhome Riverside về phía Đông; Linh Đàm, Gamuda về phía Nam, Ciputra ở phía Bắc… cùng với các khu đô thị mới trong Vành đai 3 như Royal City, Time City, Trung Hòa - Nhân Chính… Hiện nay, TP tiếp tục mở rộng vùng đô thị lên phía Bắc với một số dự án trọng điểm như Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (Đông Anh)… đã tạo nên một không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

Sau 10 năm mở rộng và phát triển, đến nay, địa giới và số đơn vị hành chính của Thủ đô đã được ổn định với diện tích 335,89 nghìn ha, tăng 1,4 nghìn ha so với năm 2008, được chia thành 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện, dân số khoảng 7,65 triệu người tăng 1,22 lần so với năm 2008.

Bên cạnh đó là những thay đổi về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị với nhiều công trình trọng điểm như đường Vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu); đường Vành đai 2 (Nhật Tân - Cầu Giấy), Quốc lộ 3, Quốc lộ 5 kéo dài, Quốc lộ 32, Nhà ga hàng không T2 Nội Bài… và xây dựng hàng trăm công trình hầm chui cơ giới, hầm chui bộ hành, cầu vượt…

Hiện nay, TP đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành T.Ư để triển khai các dự án: Tuyến đường sắt đô thị; đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp; đường Vành đai 3 trên cao nối với Quốc lộ 32. Quỹ đất đô thị dành cho phát triển hạ tầng giao thông tăng bình quân mỗi năm 0,28%, riêng trong năm 2017 đạt 9,2%. Hệ thống hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, cấp điện, cấp nước, viễn thông, vận tải công cộng, công viên cây xanh… đều được đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống điều hành mới tối ưu để phục vụ nhu cầu của người dân.

Việc thực hiện Quy hoạch chung này có tác động thế nào đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thưa ông?

- Công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong quá trình định hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và trung hạn của Thủ đô. Thông qua quy hoạch chung này, TP đã thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch kinh tế - xã hội tại các quận, huyện, thị xã và quy hoạch nông thôn mới. Từ khi không gian kinh tế được mở rộng thì cơ cấu kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, liên tục tăng trưởng qua các năm.

Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008 - 2017 đạt bình quân 7,41%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 3.910 USD tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008. Năm 2017, TP đã nộp ngân sách Nhà nước 180 triệu USD tăng gấp 3 lần so với năm 2008.

Đặc biệt, công tác quy hoạch chung đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các tập đoàn kinh tế tư nhân đã tham gia đầu tư vào tất cả các lĩnh vực với hàng trăm dự án lớn, hiện đại với số vốn đầu tư hàng tỷ USD. Sự có mặt của những tập đoàn này trở thành đòn bẩy trong quá trình phát triển và sẽ tiếp tục giữ vai trò hạt nhân trong thời gian tới. Từ đó, giúp cho vai trò, vị trí kinh tế của Thủ đô đóng góp ngày càng lớn vào vào quá trình phát triển của khu vực và của cả nước.

Có thể thấy, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được rất nhiều thành tựu trong quy hoạch. Song quá trình thực hiện có hạn chế gì, thưa ông?

- Hạn chế lớn nhất của công tác quy hoạch là chưa xây dựng, phát triển được Thủ đô thành một tổng thể đa trung tâm, có cấu trúc hoàn chỉnh hiện đại gắn với phát triển các TP vệ tinh. Bên cạnh đó là việc quy hoạch hình thành các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh chưa có sự gắn kết với các khu vực cảnh quan, di tích tập trung của TP để có thể khai thác tổng hợp tất cả các sản phẩm dịch vụ trong một chuỗi.

Ngoài ra, công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng vẫn còn bộ lộ nhiều yếu kém, chưa có biện pháp chế tài trong việc ngăn chặn xử lý kịp thời. Nhìn chung công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chưa đáp ứng được với yêu cầu.

Vậy theo ông, thời gian tới cần tập trung vào vấn đề gì để công tác quy hoạch, xây dựng được tốt hơn?

- Vấn đề trọng tâm cần phải tập trung trong thời gian tới là huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư động bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô. Cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô, các dự án tuyến đường vành đai, các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, công trình ngầm gắn với phát triển hành khách công cộng.

Cùng với đó, TP cũng cần đẩy mạnh khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn với các đô thị; Quy hoạch chi tiết các khu đô thị vệ tinh, đô thị mới tiêu chuẩn xanh - hiện đại - văn minh; Tiến hành di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi Trung tâm TP. Đồng thời phải xử lý những vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông… và đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp điện, cấp, thoát nước.

Xin cảm ơn ông!