Tầm vóc mới của Thủ đô văn hiến

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 1/8/2008, Hà Nội bắt đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, mở ra những vận hội mới, nhưng cũng là những thử thách mới. Nhìn lại 4 năm qua, mặc dù khó khăn vẫn còn không ít, nhưng những chuyến biến đã thấy rõ và Hà Nội vẫn duy trì tốt vị thế đầu tàu của cả nước về mọi mặt.

Bước phát triển mới

Nhìn vào kết quả của Thủ đô sau 4 năm hợp nhất, chúng ta thấy Hà Nội hôm nay có thêm nhiều nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Khu vực nông thôn - ngoại thành đã có thêm sức sống, đang ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Điều đầu tiên thấy rõ nhất chính là ở những vùng xa trung tâm, bộ mặt đô thị đã bước đầu hình thành. Ngay 4 xã của Hòa Bình trước khi sáp nhập về Hà Nội vẫn còn là những xã nghèo, chưa có điện, nay nguồn điện đã đến với từng nhà. Và một lẽ rất tự nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng để có được những thành công như ngày hôm nay, chúng ta đã xóa đi những băn khoăn, lo lắng của 4 năm về trước.

Phải khẳng định rằng, từ thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, dù trong hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn giữ được vị trí đầu tàu với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Trên lĩnh vực kinh tế, Hà Nội tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; Thủ đô là một trong trung tâm tài chính - ngân hàng, thị trường bán buôn, bán lẻ và xuất nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của cả nước; đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Sau ngày sáp nhập, Hà Nội đã làm tất cả giữ cho hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế ấy, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân, tạo việc làm tại chỗ và ổn định cho mọi tầng lớp dân cư. Bước sang năm 2012, khó khăn thậm chí còn nhiều hơn so với dự báo, nhưng Hà Nội vẫn giữ được sự ổn định của nền kinh tế và cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ. Ngoại trừ giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm suy giảm, các ngành, lĩnh vực khác đã vượt lên giúp tăng trưởng chung của quý II đạt 7,9%, cao hơn quý I (7,3%). Bên cạnh những khó khăn của ngành công nghiệp - xây dựng, ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng cao, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ. Mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội quý II ước tăng 22,4%. Xuất khẩu có xu hướng phục hồi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,86 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để Hà Nội tiếp tục xác định mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 là 10 - 10,5%.

Sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội trong suốt 4 năm qua còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm lo đời sống dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện trước hết ở lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong những năm qua, số trường mầm non công lập gia tăng nhanh nhất cả nước. Hiện nay, số trẻ trong độ tuổi được học trong các trường công lập của Hà Nội đã chiếm trên 85%. Hà Nội xác định tiếp tục phấn đấu để mỗi phường, xã có trên một trường mầm non công lập. Vừa qua, HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết về chính sách miễn giảm và thu chi học phí mới, thể hiện sự quan tâm của thành phố cho lĩnh vực này. Không chỉ mở rộng đối tượng miễn giảm đến 13 xã miền núi, 2 xã ven sông, Hà Nội còn thực hiện chế độ học phí ở mức thấp nhất và thể hiện sự quan tâm chăm sóc các đối tượng nghèo, khó khăn.

Trong 4 năm qua, trung bình mỗi năm, Hà Nội có trên 2 vạn hộ thoát nghèo. Một trong những thành quả rất đáng nói nữa là Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ trên 3.700 hộ dân sửa chữa, xây mới nhà ở, không còn hộ dân nào phải sống trong cảnh nhà ở dột nát, nguy hiểm. Chuyển biến rõ nhất phải kể đến những khu vực được hợp nhất về với Hà Nội như Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và 4 xã trước thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), đặc biệt là các xã nghèo ở những khu vực này.

Và những kỳ vọng

Không thể chủ quan khi thấy rằng, sau 4 năm mở rộng, Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn, sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn nhiều điều trăn trở. Tuy nhiên, sự cố gắng không ngừng của các cấp, các ngành và nội lực từ phía người dân đã kéo dần khoảng cách ấy. Hình ảnh dễ thấy nhất là sự "thay da đổi thịt" ở các vùng quê về giao thông và thủy lợi. Ở Mê Linh, hàng chục kilômét đường liên xã, liên thôn đã được đầu tư. Sự phát triển về giao thông nông thôn ở các huyện vùng xa như: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất mới thật sự ấn tượng. Nhiều người dân ở đây cho rằng, chỉ từ khi sáp nhập về Hà Nội, mức độ đầu tư và tốc độ đầu tư mới nhanh chóng và đem lại sự đổi thay nhanh đến như vậy.

Bộ mặt đô thị được chỉnh trang cùng với việc xây dựng, cải tạo công viên, vườn hoa, điểm vui chơi công cộng... là điểm nhấn đặc biệt được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phong trào xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí quy định được quan tâm thỏa đáng. Đến nay, tất cả các huyện, thị xã đã triển khai thực hiện khảo sát, lập đề án xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 11 huyện đã phê duyệt đề án. Đối với cấp xã, có 325 xã lập xong đề án, trong đó, 178 xã đã được phê duyệt. Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016 và đang triển khai xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp và huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô. Nhưng, với Hà Nội, văn hóa luôn được coi là mục tiêu ưu tiên số một. Bên cạnh việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, Hà Nội thực sự trăn trở trong việc xây dựng được nếp sống văn hóa người Hà Nội, để không mất đi nét hào hoa, thanh lịch mà vẫn văn minh, hiện đại.

4 năm đã qua, rất nhiều công việc trên các lĩnh vực giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân đã đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác tổ chức cán bộ được Hà Nội chọn là khâu đột phá đã thực sự tạo nên những bước chuyển tích cực nhất. Các cán bộ được bố trí, sắp xếp, luân chuyển hợp lý đã thực sự nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, mở rộng dân chủ trong Đảng, từ đó thay đổi từng bước cả phương thức lãnh đạo lẫn việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần nâng cao tính dân chủ trong đời sống xã hội.

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, những hệ lụy, những khó khăn, thử thách nảy sinh là khó tránh khỏi. Riêng về vấn đề mất cân đối trong phát triển đô thị, phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư, Thành phố đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trên cơ sở rà soát, phân tích sâu tình hình cụ thể từng khu vực để đề xuất phương án giải quyết. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cái gốc quan trọng cho Hà Nội giải quyết những vướng mắc phát sinh. Hà Nội cũng đã tiến hành thông qua sáp nhập hàng loạt quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu trên địa bàn, quy hoạch xã nông thôn mới..., đồng thời ý thức rằng việc đưa các quy hoạch này vào cuộc sống là một nhiệm vụ quan trọng.

Sau 4 năm sáp nhập, giờ đây mọi việc đã ổn định và đi vào nền nếp, Hà Nội đã là một cơ thể thống nhất, mạnh mẽ và đầy sức sống. Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, bằng quyết tâm cao độ như chúng ta đã thể hiện trong 4 năm qua, những mục tiêu đã đặt ra xây dựng Hà Nội "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" đang dần đến đích.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần