Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/6, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết tại Hà Nội sau 9 năm đàm phán. Nếu mọi việc suôn sẻ, được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU phê chuẩn, EVFTA có thể được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Hiệp định EVFTA. Ảnh: Hùng Thập
Hiệp định này rất quan trọng giúp mở rộng thị trường cho các DN khi các dòng thuế giảm dần hoặc cắt bỏ. EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường 99% thuế quan được dỡ bỏ dần dần theo một lộ trình kéo dài từ 7 - 10 năm. Việt Nam có thể sẽ tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP lên đến 15.000 tỷ USD. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay (sau Mỹ).
Việt Nam và EU là hai thị trường có cơ cấu sản phẩm bổ sung hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, Việt Nam thường xuất khẩu những hàng hóa không phải là thế mạnh của EU (như dệt may, trái cây nhiệt đới…) trong khi phần lớn hàng hóa EU xuất khẩu sang Việt Nam cũng là những mặt hàng Việt Nam chưa phát triển sản xuất (như ô tô, dược phẩm...). Bên cạnh xuất khẩu, đầu tư giữa hai bên được hy vọng sẽ kích lên tầm cao khi EVFTA có hiệu lực. Dòng vốn từ châu Âu là dòng vốn chất lượng cao nên đây cũng là cơ hội giúp Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng, đón nhận chuyển giao công nghệ ở khối kinh tế tư nhân trong nước.
Theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của VIệt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019 - 2023, 4,57 - 5,30% giai đoạn 2024 - 2028 và 7,07 - 7,72% giai đoạn 2029 - 2033.
Sau Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”. Thế nhưng cần phải khẳng định, các FTA, điển hình như CPTPP và EVFTA đều là những Hiệp định tiêu chuẩn cao, nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt, thách thức sẽ rất lớn. Thách thức tới đây là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tháo bỏ những rào cản, tạo cơ hội cho DN Việt Nam bứt phá, cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như CPTPP có hiệu lực từ đầu năm nay nhưng đến nay bên cạnh những DN được hưởng lợi, vẫn còn nhiều DN bị thiệt hại nặng do chưa hiểu rõ “luật chơi”. Các ngành như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản… đều kêu gặp khó khăn lúng túng trước CPTPP. Các DN chưa kịp khởi động với CPTPP thì nay lại là EVFTA. So với các đối thủ cạnh tranh đến từ EU, DN trong nước còn nhiều hạn chế và khả năng cạnh tranh yếu hơn về vốn, tiếp thị, khả năng xây dựng các liên kết, hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác khác. Kéo theo đó là các cam kết về môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, sẽ đối diện với nhiều hàng rào kỹ thuật…
Theo VCCI, 77% DN dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về EVFTA. Với CPTPP và cộng đồng kinh tế ASEAN, tỷ lệ này là 71% và 63%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam mới chỉ đạt 40%, trong đó chủ yếu là các DN FDI.
Mỗi Hiệp định đều mở ra cơ hội nhưng cần có giải pháp để tận dụng cơ hội đó. Chính phủ không còn cách nào khác là phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan để phù hợp với tiến trình phát triển và các cam kết quốc tế. Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh. Các cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh, trong xuất nhập khẩu cần thực hiện quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời cần có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn về EVFTA hay các Hiệp định khác. Đặc biệt có các biện pháp hỗ trợ cho DN để tận dụng tốt nhất các cơ hội và vượt qua khó khăn từ EVFTA.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần