Tận dụng công cụ bình ổn giá xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu biến động liên tục thời gian gần đây đã tác động không nhỏ tới đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Vì vậy, việc áp dụng linh hoạt nhiều công cụ như giảm thuế, trợ giá năng lượng… là những giải pháp cần sớm được thực hiện.

Sớm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng

Mặc dù trong những kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu đã giảm, nhưng người tiêu dùng và DN vẫn mong muốn và kiến nghị Nhà nước giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu. Bởi trong bối cảnh thế giới khó lường hiện nay, các mặt hàng nhiên liệu khó giữ được mức giá ổn định và có thể tăng bất cứ lúc nào.

 Ảnh: Phạm Hùng
 Ảnh: Phạm Hùng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, với mức giá cả như hiện nay, tối thiểu nên giảm 50% thuế VAT và giảm 8 - 10% thuế TTĐB đến cuối năm mới thì ngành vận tải mới không đứt gãy. Hiệp hội kiến nghị cơ quan quản lý cần sớm đề xuất Quốc hội họp bất thường để quyết nghị, vì nếu để tới tháng 10/2022 mới đề xuất giảm thì hệ luỵ tới ngành vận tải sẽ càng trầm trọng.

Bày tỏ quan điểm đồng tình tiếp tục giảm thuế cho xăng dầu, TS Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng: “Không nên chờ tới kỳ họp Quốc hội cuối năm mới trình giảm thuế TTĐB và VAT cho xăng dầu, mà cơ quan quản lý nên kiến nghị kỳ họp bất thường. Nếu chờ tới tháng 10/2022, giá cả liên tục tăng sẽ gây gánh nặng chi phí rất lớn lên DN, nền kinh tế".

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo đối với thị trường xăng dầu hiện nay, trước hết phải đảm bảo nguồn cung trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần được sử dụng hợp lý với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân. Đồng thời, xem xét giảm thuế VAT và thuế TTĐB đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái một lần nữa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm thuế TTĐB, VAT với xăng dầu. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng cho ý kiến về phương án giảm thuế VAT và TTĐB đang chờ ý kiến các bên liên quan.

Xem xét áp dụng trợ giá năng lượng

Không phủ nhận xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nếu ổn định ở mức hợp lý sẽ hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng. Nhưng khi giá xăng dầu chịu các yếu tố khách quan buộc biến động, Nhà nước có thể áp dụng biện pháp trợ giá năng lượng, bên cạnh những biện pháp ứng phó về thuế. Tại một số quốc gia đưa ra gói hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt (Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh…); gói hỗ trợ các DN, nhà buôn bán dầu (Nhật Bản).

Về giải pháp này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, Nhà nước nên cân đối ngân sách để có biện pháp trợ giá năng lượng khi giá tăng quá cao. Đây thực chất là khoản trợ cấp từ ngân sách cho DN, người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do chi phí nhiên liệu leo thang. Đơn cử, có thể dùng tiền ngân sách để bù giá xăng dầu cho một số đối tượng gặp khó khăn như: Ngư dân đánh bắt thuỷ hải sản, người nghèo, thu nhập thấp... để họ có động lực khôi phục sản xuất.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, làm thế nào để không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ hoặc biến động lớn về giá dầu luôn là bài toán khó đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Khuyến nghị về giải pháp ứng phó, TS Lê Đăng Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, Bộ Công Thương và bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, nhu cầu đi lại, phục hồi kinh tế đang ở mức cao, việc quản lý nguồn cung xăng dầu gắn tuyên truyền khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu hiệu quả là giải pháp được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Hiện tại giá xăng dầu vẫn tiếp tục biến động, Bộ Công Thương đã khuyến cáo người dân, DN hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng đối với mặt hàng xăng dầu.

 

Về lâu dài, song song các giải pháp tài chính thông qua giảm thuế, nguồn cung xăng dầu phải được củng cố, chủ động và ổn định mới hạn chế được tác động của diễn biến giá thế giới tới thị trường trong nước.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần