Tận dụng Hiệp định UKVFTA đưa hàng Việt thâm nhập thị trường Anh

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả ấn tượng sau 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cho thấy dư địa xuất khẩu và thị phần tại thị trường Anh là rất lớn. Vậy DN Việt Nam cần làm gì để đưa hàng hóa thâm nhập sâu hơn vào thị trường này?

Đó là nội dung được thảo luận tại hội nghị “Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức chiều 14/3.

Tăng trưởng xuất khẩu hơn 16%

Bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19, DN Việt Nam bước đầu đã tận dụng tốt cơ hội mang lại từ UKVFTA. Minh chứng rõ nhất là dù chỉ sau 1 năm hiệp định này có hiệu lực tạm thời (từ ngày 1/1/2021), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 đã đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Anh và các nước EU hồi tháng 6/2021
Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Anh và các nước EU hồi tháng 6/2021

Đáng chú ý, hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là: Sắt thép (1.183%), cao su (82,3%), nông sản (70,8%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%), hạt tiêu (48%), phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%), gốm sứ (35,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%).

Đánh giá về những con số tăng trưởng xuất khẩu sang Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, kết quả đạt được nêu trên có vai trò đòn bẩy vững chắc của UKVFTA. Cụ thể, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021, nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh.

“Mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng đang đặt kỳ vọng cho năm 2022 khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các DN Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Anh còn rất lớn bởi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh chiếm chưa đến 1% trong tổng số  hàng nhập khẩu vào Anh. Ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Anh cũng chiếm phần nhỏ trong lượng nhập khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, DN cần đẩy mạnh tiếp cận thị trường thông qua online. Tuy nhiên, dù tiếp cận thị trường theo phương thức truyền thống hay online, UKVFTA vẫn là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới nên các DN không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả mà cần quan tâm đến quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định phát triển bền vững.

Thay đổi để nắm bắt cơ hội

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, thực tế một năm qua cho thấy, dù Anh là thị trường tiềm năng nhưng DN Việt vẫn chưa sẵn sàng trong việc thâm nhập, khai thác lợi thế cũng như khả năng cạnh tranh với đối tác. Đơn cử, việc gửi sản phẩm chào hàng với giá quá cao hoặc không đủ giấy tờ chứng nhận hàng hóa theo tiêu chuẩn của nước sở tại, thời gian giao hàng lâu… là những nguyên nhân khiến hàng hoá Việt Nam chưa tiếp cận sâu được tại thị trường Anh.

Ông Nguyễn Hoàng Long cũng chỉ ra rằng các DN nhập khẩu và người tiêu dùng Anh coi trọng giá trị hàng hóa theo triết lý không phải lúc nào giá rẻ nhất cũng là tối ưu nhất. Điều quan trọng là DN phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường, phải cung cấp dịch vụ khách hàng tốt và giao hàng đúng hạn cũng như đảm bảo tính minh bạch với khách hàng. Ngoài ra, các DN Anh cũng coi trọng đối tác đề cao việc bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động xã hội và có khả năng quản trị tốt.

Đưa ra những khuyến cáo đối với DN Việt Nam, Nghị sĩ Graham Stuart – Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh cho biết, các DN Việt đang gặp nhiều thách thức từ thị trường Anh, kể từ khi nước này rời EU. Cụ thể, thủ tục về các loại giấy chứng nhận, thủ tục kiểm soát hải quan, động thực vật, khai báo thuế, nộp thuế sẽ phải tuân theo hướng dẫn mới của Anh.

Chẳng hạn, trước đây các loại giấy chứng nhận cấp cho sản phẩm sang EU được áp dụng cho xuất khẩu sang Anh, nhưng giờ đây DN Việt Nam muốn xuất khẩu vào Anh phải có giấy chứng nhận được phía Anh chấp thuận, đồng thời phải dẫn chiếu luật của Anh thay vì luật của EU.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh, để thâm nhập thị trường Anh, DN Việt cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản để đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì thị phần, làm cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, DN cần tìm nguồn hàng có chất lượng, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, các DN phải thay đổi và thích nghi linh hoạt trong bối cảnh mới có thể vượt qua rào cản, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường.

 

Hiệp định UKVFTA được ký chính thức tại London, Vương quốc Anh ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021, và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch song phương Việt Nam - UK trong năm 2021 đạt 6,61 tỉ Đô la Mỹ, tăng trưởng 17,24%, cơ bản đã phục hồi được về mức kim ngạch năm 2019 sau một năm giảm sâu do tác động của dịch Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần