Tận dụng lợi thế, đưa TP Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao hàng đầu

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 8/3, Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về lộ trình cho học sinh trở lại học trực tiếp tại trường và tình hình công tác GD&ĐT của TP Hà Nội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tham dự hội nghị về phía Bộ GD&ĐT có Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Về phía TP Hà Nội tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ...

Quang cảnh cuộc làm việc
Quang cảnh cuộc làm việc

Đa dạng hình thức dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh

Báo cáo do Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng trình bày tại hội nghị cho thấy, năm học 2021-2022, Hà Nội có 2.835 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục với 2.206.906 học sinh; 138.090 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (tăng 51 trường và 67.219 học sinh so với cùng kỳ năm học trước). Các trường đại học, cao đẳng thuộc các các Bộ, ngành trên địa bàn TP có khoảng 120 trường với gần 1.000.000 sinh viên, học sinh. TP có 298 đơn vị đang có hoạt động GDNN với tổng với học viên là 192.590 người.

Năm 2021, UBND TP ban hành kế hoạch số 309/KH-UBND về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đối với trường thuộc quản lý của TP, số trường cần xây mới, cải tạo, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị để đề nghị công nhận mới và công nhận lại đạt chuẩn quốc gia 123 trường với tổng nhu cầu kinh phí dự kiến 8.526 tỷ đồng. Đối với trường thuộc quản lý của cấp huyện, tổng số dự án cần đầu tư xây dựng để đảm bảo đạt chỉ tiêu TP 1.295 dự án với tổng nhu cầu kinh phí dự kiến 50.738 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo tại hội nghị.

Ngoài ra, TP  giao Sở GD&ĐT phối hợp sở, ngành liên quan tích cực triển khai dự án đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp có diện tích từ 5ha trở lên và có cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước phát triển,với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng tại 7 quận, huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Trì, Thạch Thất và Sóc Sơn). Hiện, Hà Nội có 22 trường chất lượng cao, trong đó có 16 trường công lập. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP là 63,9% (1.791/2.802), trong đó công lập là 78,6% (1.757/2.236).

Thực hiện nghiêm tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, TP đã chỉ đạo ngành GD&ĐT kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và các em học sinh không bị gián đoạn. TP thực hiện tiêm phòng vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi tại các cơ sở giáo dục: Số lượng mũi 1 đã tiêm đạt 99,8% và số lượng mũi 2 đã tiêm đạt 99,5%.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc làm việc.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc làm việc.

Đối với lộ trình cho học sinh quay lại trường học, UBND TP đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã cho học sinh một số cấp học trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, hiện nay học sinh một số khối lớp thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Tính đến ngày 6/3, cấp tiểu học và khối lớp 6 cấp THCS tiếp tục dạy và học trực tuyến tỷ lệ học sinh tham gia học tập đạt 97,36%. Cấp THCS (từ lớp 7 - 9), số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 46,07% và còn lại 53,93% học sinh học trực tuyến. Cấp THPT, số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 58,45% và còn lại 41,55% học sinh học trực tuyến.

Ngành GD&ĐT TP Hà Nội xác định, trọng tâm giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình giáo dục mầm non, GDPT mới theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp và hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX của TP. Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt 80-85%. Đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy - học và công tác quản lý giáo dục. Đầu tư cơ sở vật chất và tăng nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Cần có quy chuẩn đặc thù đối với đô thị đặc biệt như Hà Nội

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân thích thêm một số khó khăn, bất cập trong GD&ĐT của Hà Nội. Theo đó, chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành còn chưa đồng đều, đang có xu hướng giãn ra. Quản trị trường học cũng chưa theo kịp xu hướng phát triển của xã hội và chậm so với các ngành, lĩnh vực khác, thậm chí ngay trong nội bộ ngành, giữa khối công lập và ngoài công lập. Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong những năm tới Hà Nội xác định tập trung đầu tư cho văn hóa, giáo dục, y tế và xác định đây là 3 trụ cột để phát triển bền vững TP

Do đó, Hà Nội cũng xác định GD&ĐT Thủ đô phải là trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước, tiến tới cạnh tranh khu vực và quốc tế. Muốn vậy, ngoài những kiến nghị đã được nêu, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô; cần có quy chế, quy chuẩn đặc thù đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội để phát triển giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại cuộc làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, liên quan đến việc di dời các sơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sở dĩ trong 10 năm qua chưa thực hiện được là do thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế và quỹ đất. Nhấn mạnh, đây là việc cần thiết để nâng cao cơ sở vật chất cho các trường và sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD&DTD cho rằng, Hà Nội cần có quy hoạch rõ ràng, ưu tiên quỹ đất hình thành các khu đô thị, cụm đại học để tạo cơ chế, hỗ trợ các trường di dời khỏi nội đô nhưng vẫn ở TP.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, những thành tích về giáo dục của Thủ đô thời gian qua được đánh giá rất cao. Đây là sự nỗ lực của đội ngũ quản lý, giáo viên toàn ngành trong nhiều thế hệ cũng như sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội. Từ đó, giáo dục của Hà Nội đang tạo ra được thương hiệu riêng, tuy nhiên, nhiều chỉ số chưa đạt Top do chỉ số tuyệt đối lớn hơn các tỉnh trong cả nước.

Để giáo dục Hà Nội đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, TP cần quan tâm tới quỹ đất tạo ra không gian phát triển mới trong giáo dục theo hướng thực chất, không chạy theo hình thức. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo và chất lượng chuẩn đào tạo. Đồng thời, có các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển giáo dục như: Giải quyết tốt vấn đề thừa thiếu giáo viên; giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; phát huy tính đặc thù, lợi thế Thủ đô trong xã hội hoá, phát triển trường ngoài công lập. Đặc biệt, quan tâm hơn vấn đề phát triển đảng để nâng chất lượng đào tạo trong các trường học.

Chia sẻ với những khó khăn đối với các trường học trong khu vực nội thành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, TP cần tập trung giảm sĩ số học sinh/lớp, nhất là ở cấp tiểu học để đảm bảo chất lượng đầu ra. Muốn vậy, TP cần quan tâm bố trí các quỹ đất sạch cho trường tư phát triển, cùng với đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo công bằng giữa khu vực trường công và tư.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc làm việc.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc làm việc.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu của các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiến nghị, Bộ GD&ĐT cùng Hà Nội nên thành lập một tổ công tác chung để hỗ trợ TP. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thu hút nguồn lực, phát triển GD&ĐT chất lượng cao, ngang tầm khu vực, thế giới; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất GD&ĐT.

Xây dựng hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, xác định rõ vai trò, vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực GD&ĐT và coi phát triển GD&ĐT, đưa học sinh trở lại trường học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận cuộc làm việc.
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận cuộc làm việc.

Trong thời gian qua, trước tác động của dịch Covid-19, TP càng dành sự quan tâm nhiều hơn, vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh, giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học. Nhờ đó, Hà Nội dẫn đầu về quy mô, mạng lưới trường lớp, về giáo dục mũi nhọn và duy trì chất lượng cao giáo dục đại trà ở các cấp học. Tuy nhiên, xác định giáo dục, đào tạo Thủ đô phải phát triển xứng tầm, lãnh đạo TP luôn trăn trở, tìm giải pháp phấn đấu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2021-2025.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, cụ thể hóa tinh thần này, TP đã xác định GD&ĐT là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). Thành ủy cũng quán triệt tinh thần phải nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế tồn tại của GD&ĐT và trên cơ sở đó xác định tầm nhìn xa, tính toán dài hơi để phát triển lĩnh vực này.

“Chúng tôi yêu cầu phải đưa tư duy phát triển ngành, lĩnh vực vào trong tư duy phát triển chung của TP. Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia luôn, tránh để sau nay đô thị hóa không còn quỹ đất như thực trạng xảy ra ở các quận nội đô hiện nay” - Bí thư Thành uỷ cho biết.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, tới đây, TP báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng TP trong TP, TP giáo dục, khoa học công nghệ sẽ lấy hạt nhân là khu vực trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai. TP cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh CCHC để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng GD&ĐT. Để bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án để khi được phân bổ vaccine là tiêm được cho trẻ từ 5-11 tuổi, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học.

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thống nhất cùng với Ban Cán sự đảng Bộ chỉ đạo tổ chức tổ công tác, tăng cường phối hợp, giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo Thủ đô đổi mới, phát triển xứng đáng vị trí, vai trò, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của T.Ư và Nhân dân Thủ đô.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, quy mô giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều, thách thức rất lớn, cơ hội nhỏ và thuận lợi nhỏ. Tuy nhiên, vượt qua những áp lục đó, trong những năm qua, Hà Nội vẫn được đánh giá là khu vực có chất lượng giáo dục hàng đầu và có tầm quan trọng đặc biệt.

“Câu chuyện của Hà Nội không chỉ dừng lại ở 10% giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học đặt tại Hà Nội. Cả nước còn phải nhìn vào Thủ đô để học sự lan toả của tính chất đầu tàu, lôi kéo, dẫn dắt sự phát triển của hệ thống giáo dục cả nước. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt bởi đối với Thủ đô các mục tiêu văn hoá, y tế, và giáo dục luôn có vị trí hàng đầu. Hà Nội không thể có Thủ đô văn hiến và con người thanh lịch, văn minh nếu như không có một nền giáo dục chất lượng tốt” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá.

Để duy trì, phát triển được ưu thế này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, nhất là vấn đề chất lượng trong giáo dục. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược để giải quyết từng vấn đề cụ thể trong giáo dục và có giải pháp thực hiện chiến lược phát triển cho từng khối, từng khu vực. Phát triển hơn nữa phương diện con người và thực hiện kết nối giáo dục với các không gian văn hoá, công viên thể thao, thư viện, bảo tàng… sẵn có để phát triển chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Đối với vấn đề chính sách, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các chính sách để mở đường cho sự phát triển và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phát triển giáo dục nói chung. Đối với Hà Nội, sẽ đề nghị mạnh dạn thí điểm thực hiện một số chính sách đặc thù và cần thiết có thể ban hành một số chính sách riêng trong giáo dục. Đồng thời, Sở GD&ĐT TP làm đầu mối để có chương trình phối hợp công tác với một số nội dung cụ thể. TP cần sớm có đánh giá, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực để làm căn cứ trong quy hoạch và bảo đảm nguồn nhân lực cho giáo dục.

“Mong Hà Nội với tất cả nguồn lực, trách nhiệm của mình xem xét đến hệ thống mô hình các trường năng khiếu bên cạnh trường chuyên để phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, ươm mầm các tài năng từ sớm nhất. Ngoài ra, trong sự phát triển đô thị theo hướng thông minh cần tính đến không gian cho việc học tập suốt đời để góp phần nâng cao chất lượng đô thị của Thủ đô” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

 

4 kiến nghị đặc thù cho giáo dục Thủ đô

Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ban ngành liên quan. Đáng chú ý, Hà Nội nêu 4 kiến nghị đặc thù với giáo dục Thủ đô như: Hướng dẫn, xem xét cho phép trường Đại học Thủ đô phát triển các mã ngành đào tạo giáo viên để đào tạo các giáo viên phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, ban hành văn bản hướng dẫn mô hình quản lý các loại hình trường học liên quan đến một số trường, cơ sở giáo dục đặc thù như trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn, Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner, Trường nội trú Nguyễn Viết Xuân… để xác định rõ vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương.

Cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, liên danh, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh tham gia và hoàn thành chương trình được cấp song bằng Việt Nam và bằng quốc tế tại các trường phổ thông Hà Nội có đủ điều kiện (hình thức du học tại chỗ). TP được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

Ngoài ra, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đối với chương trình song ngữ tiếng Pháp: khung chương trình tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp; quy định về kiểm tra đánh giá học sinh (từ lớp 1 - lớp 12) để phù hợp với chương trình GDPT mới; tạo điều kiện mở các lớp tập huấn giáo viên tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp nhằm đáp ứng nội dung chương trình; giới thiệu chương trình sách giáo khoa phù hợp cho học sinh.