Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tận dụng lợi thế thu hút FDI

Kinhtedothi - Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là động lực để Hà Nội có thêm sức hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nhà đầu tư lớn.

Khơi thông các nguồn lực cho Hà Nội

GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn TP Hà Nội) đánh giá, Luật Thủ đô 2024 có những thay đổi căn bản, mang tính đột phá với tinh thần trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.

Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, Khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải

Cụ thể, cho phép TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư. Luật cũng xác định rõ một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, thủ tục hải quan, phát triển nhân lực đối với một số dự án đầu tư, nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực…

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2059-QĐ/UBND về kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tập trung rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô. Các đơn vị cũng rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ hoặc tham mưu điều chỉnh, bãi bỏ các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, phương án để bảo đảm phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô và tuân thủ theo quy định pháp luật; đặc biệt bãi bỏ các quy hoạch không còn phù hợp với thực tế, quy định pháp luật;

Quy hoạch Thủ đô chính là tạo ra những định hướng phát triển chung, phát triển tổng thể, phát triển dài hạn, để đưa Thủ đô trở thành hình ảnh đại diện của quốc gia, xứng tầm so với Thủ đô của các nước khác trên thế giới. "Đặc biệt, Luật Thủ đô sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút FDI”- GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Thu hút “đại bàng” đến làm tổ

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng về số lượng và sâu hơn về chất lượng. Trong đó, TP Hà Nội luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Hà Nội tập trung thu hút FDI theo chiều sâu gắn với phát triển bền vững, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng TP thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại,…

Theo số liệu từ Chi cục Thống kê TP Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã thu hút 1,48 tỷ USD vốn FDI, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, TP đã cấp phép cho 114 dự án đầu tư mới với tổng vốn 41 triệu USD; 45 dự án được điều chỉnh tăng vốn với gần 1,2 tỷ USD; và có 111 lượt góp vốn, mua cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị đạt 241 triệu USD.

Gần hai năm sau khi tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội tập trung phát triển khu công nghệ này thành nơi "đón sóng" đầu tư FDI cho những ngành công nghiệp mới, công nghệ cao đầy tiềm năng. Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết, Ban quản lý đang tập trung xây dựng các danh mục để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng xã hội cần thiết, đồng thời thường xuyên chủ động đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tại đây. Trong đó, với những dự án đầu tư quy mô lớn (tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng) được ưu đãi về thuế thu nhập DN trong 30 năm thay vì 15 năm như trước đây.

Trong thời gian tới, dự kiến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ ngày càng hoàn thiện và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao. Theo kế hoạch, năm 2027, Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc sẽ đầu tư, hỗ trợ Việt Nam thành lập Phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn đặt tại đây nhằm góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

Trong năm 2025, để nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt tập trung vào việc phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhà đầu tư. Sở Công Thương Hà Nội cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao Hà Nội được giao nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, các cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề theo định hướng hiện đại, xanh, sạch và đẹp. Song song với đó, TP tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, chủ động phối hợp liên ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo nền tảng thuận lợi cho các nhà đầu tư.

TP ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có công nghệ tiên tiến, có nguồn vốn lớn, có cam kết gắn bó lâu dài với TP, nhất là trong những ngành kinh tế trụ cột của Thủ đô. TP thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm du lịch và dịch vụ, trung tâm logistics, khu đô thị mới và nhà ở xã hội. TP luôn quan tâm và dành những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô mới còn mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Đơn cử, với DN đầu tư vào các lĩnh vực được xác định "ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược" sẽ được TP miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời, được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập DN; trong đó, được miễn thuế thu nhập DN trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, TP sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô 2024, xây dựng một số chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, phân cấp, ủy quyền, thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao,… Điều này không chỉ giúp Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, để cạnh tranh với các địa phương khác, Hà Nội cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các DN FDI. Điều vui mừng là các bộ Tài chính, KH&CN,… cũng khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Hà Nội để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Luật Thủ đô 2024: khai thác sức mạnh tổng hợp, liên kết vùng hiệu quả

Luật Thủ đô 2024: khai thác sức mạnh tổng hợp, liên kết vùng hiệu quả

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ