Tận dụng mọi cơ hội để tăng xuất khẩu

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu của Tổng cục Hải quan công bố ngày 16/8, từ đầu năm đến nay, nhiều nền kinh tế là thị trường xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, nhu cầu nhập khẩu giảm song kim ngạch XK của cả nước vẫn có mức xuất siêu  2,26 tỷ USD.

Tuy nhiên mức độ tăng trưởng lại chỉ đạt trên 5%. Để hoàn thành chỉ tiêu XK tăng 10% so với năm 2015, những tháng cuối năm đòi hỏi những nỗ lực lớn.

Xuất siêu nhưng tăng trưởng thấp

Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2016 kim ngạch XK cả nước đạt 96,99 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch nhập khẩu đạt 94,735 tỷ USD, giảm 1,2%. Mặt hàng dẫn đầu về XK vẫn là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 19,603 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Mặc dù xuất siêu thế nhưng mức tăng trưởng kim ngạch XK 7 tháng của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (9,2%). Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 7, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu rõ: Mặc dù kim ngạch XK các mặt nông lâm thủy sản trong 7 tháng qua đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng trong những tháng cuối năm khó có thể tăng thêm bởi đã đến “ngưỡng”. Tương tự ngành công nghiệp chế biến cũng đã chạy hết công suất nên sẽ không tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Gò Đàng, Tiền Giang. Ảnh: Hùng Huy
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Gò Đàng, Tiền Giang. Ảnh: Hùng Huy
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ: Mặc dù mặt hàng gạo là một trong những sản phẩm XK chủ lực của Hà Nội và cả nước nhưng từ đầu năm tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia… DN XK chưa ký được hợp đồng số lượng lớn có vai trò dẫn dắt thị trường… Ngoài ra, DN XK gạo bị sức ép phải giữ giá gạo ở mức cao (để bù đắp chi phí chống xâm nhập mặn) nên sức cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới giảm. Đồng thời gạo Việt Nam bị Campuchia và Thái Lan cạnh tranh mạnh khi những nước này tung ra 11 triệu tấn gạo dự trữ có chất lượng, thương hiệu tốt hơn… Trước sự cạnh tranh gay gắt này dự kiến những tháng cuối năm 2016 DN sẽ khó có thể ký hợp đồng XK gạo số lượng lớn. “Có thể nói những nguyên nhân này khiến mức tăng trưởng kim ngạch XK không đạt mục tiêu đã đề ra sau 7 tháng” - đại diện Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ.

Giải quyết khó khăn từng ngành hàng

Theo các chuyên gia kinh tế: Nếu xét theo yếu tố chu kỳ, thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng luôn cao hơn thời điểm đầu năm nên nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, để DN XK tận dụng được thời cơ này đòi hỏi ngành công thương nên có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng ngành hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Hiện, Bộ đã lập đường dây nóng để DN phản ánh trực tiếp tới Cục Xuất - Nhập khẩu từ đó xử lý các vướng mắc cho DN XK. Nhằm đẩy mạnh XK gạo, Bộ Công Thương đang tăng cường giám sát các thị trường lớn và truyền thống để có giải pháp kịp thời giúp tiêu thụ gạo cho bà con nông dân. Với các mặt hàng nông sản khác, Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội, DN XK chè, cà phê, mỳ ăn liền… tìm hiểu khả năng đẩy mạnh XK sang thị trường Nga, Belarus, Kazakhstan. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam tăng cường kiểm soát chất lượng thủy sản chế biến phục vụ XK, cung cấp thông tin cho các đối tác nhập khẩu qua đó dự kiến sẽ giữ vững kim ngạch XK thủy sản ở mức 7 - 8 tỷ USD/năm.

Đồng tình với biện pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh XK trong những tháng cuối năm 2016, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, nêu rõ: Để hỗ trợ DN kết nối giới thiệu đối tác nước ngoài đẩy mạnh XK đòi hỏi công tác xúc tiến thương mại phải triển khai đều đặn, cụ thể. “Từ đầu năm đến nay ngành công thương Hà Nội đã liên tục tổ chức các đoàn DN tham gia hội chợ giao thương tại Trung Quốc, Nam Phi, Mozambique qua đó đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản… Dự kiến từ nay đến cuối năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đưa DN tham dự hội chợ Dusseldorf, Bazaar (CHLB Đức) giúp DN giao dịch thương mại với các nhà nhập khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại Đức và Đông Âu; Tổ chức giao thương tiêu thụ sản phẩm dệt may tại Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào)… Những hoạt động xúc tiến thương mại này sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu XK của TP là 11 tỷ USD, tăng 5% so với thực hiện năm 2015” - ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.