KTĐT - Hàng trăm hộ dân đã lâm vào cảnh tan cửa, nát nhà, chung quy cũng chỉ vì một chữ “tham”.
Những vụ “bể hụi” diễn ra như cơm bữa nhưng nhiều hộ dân vẫn lao vào gửi gắm số tiền mình vất vả tích cóp cả đời cho chủ hụi để rồi nhận được một kết cục đau lòng. Hàng trăm hộ dân đã lâm vào cảnh tan cửa, nát nhà, chung quy cũng chỉ vì một chữ “tham”.
Tiền tỷ mất tăm
Đầu tháng 1/2011, gần hai chục người dân chạy đến trụ sở Công an quận 10 (TP HCM) kêu cứu vì bị chủ hụi là vợ chồng ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị Kim P (ngụ đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10) lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của họ. Theo một số người dân, họ được bạn bè giới thiệu vợ chồng ông L là chủ hụi có “uy tín” nhất trên địa bàn quận 10 nên đã cả tin, lấy toàn bộ số tiền dành dụm của gia đình vào chơi hụi. Sự cả tin này đã đẩy họ vào cảnh “tán gia bại sản” khi vợ chồng ông L đột nhiên... bặt âm vô tín. Theo điều tra của Công an quận 10, chỉ trong vòng 2 ngày đã có gần 20 trường hợp đến trụ sở công an trình báo bị mất oan số tiền lên đến hơn 20 tỷ đồng. Đó mới chỉ là thông tin ban đầu, rất có thể số nạn nhân cùng số tiền hụi bị mất chưa dừng lại.
Ông Nguyễn Văn S (SN 1957, ngụ Đào Duy Từ, phường 5, quận 10) cho biết, mấy tháng đầu góp tiền chơi hụi ông được chủ hụi là vợ chồng ông L trả tiền lãi suất rất đúng hạn. Đến khi góp được 3 tỷ đồng, đột nhiên không thấy chủ hụi thanh toán tiền lãi hàng tháng. Sinh nghi ông S mới nhấc máy gọi cho vợ chồng ông L thì đầu dây bên kia chỉ là “số máy không liên lạc được”. Ngay sau đó ông S đã đến Công an trình báo vụ việc. Theo ông S ngoài số tiền 3 tỷ đồng trên, thì ông còn cho vợ chồng ông L vay thêm 2 tỷ đồng. “Vợ chồng chủ hụi lặn “mất tăm” rồi, giờ tôi không biết phải làm sao”, ông S nói như mếu.
Đau đớn nhất trong số các nạn nhân chơi hụi là trường hợp của bà Nguyễn Thị S (SN 1941, ngụ đường Lê Hồng Phong, phường 10, quận10). Bà S cho biết, do tin vào mối quan hệ và những lời như “rót vào tai” của vợ chồng ông L nên bà đã mang toàn bộ số tiền tích cóp được (8 tỷ đồng) góp vào hụi. Hai tháng đầu chủ hụi trả lãi suất như đã hứa, nhưng đến tháng thứ 3 thì vợ chồng ông L đã “cao chạy xa bay”. Trình bày với cơ quan chức năng, bà S chua xót: “Do tuổi già sức yếu nên tôi muốn gửi tiền vào hụi để kiếm chút lãi an dưỡng tuổi già, thật không ngờ cơ sự lại ra như vậy...”.
Theo hồ sơ của Công an quận 10, ngoài hai nạn nhân trên còn có nhiều trường hợp hùn tiền vào chơi rồi chịu cảnh mất trắng, không nhận được một đồng lãi nào. Như trường hợp chị Hoàng Thị P (ngụ quận Tân Bình) góp được 130 triệu, Võ Thị L (ngụ Q.Bình Tân) 100 triệu, Trần Thị T (ngụ quận 6) 90 triệu v.v...
Kêu ai, ai cứu (?)
Liên quan đến vụ “bể hụi” trên, Đại úy Nguyễn Văn Tuấn – Đội phó đội hình sự Công an quận 10 cho biết, hiện cơ quan này đang tiến hành các biện pháp để mời hai vợ chồng ông L bà P đến trụ sở công an để lấy lời khai. “Nếu xác định có yếu tố hình sự, chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố vụ án hoặc chuyển lên công an thành phố giải quyết theo thẩm quyền. Còn nếu đây là một vụ tranh chấp dân sự, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.
Theo luật sư Nguyễn Xuân Chung – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, mọi người không nên coi hụi là hình thức đầu tư nhằm hưởng lãi suất cao. Thực tế, việc chơi hụi trước nay chỉ dựa vào niềm tin cá nhân mà không có tài sản bảo đảm cho việc giao dịch này, do vậy khi bể hụi, thiệt hại luôn ở phía người chơi. Đây là điều người dân cần lưu ý.
Trong khi đó, luật sư Trương Xuân Tám – Uỷ viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Hiện nay việc tòa án viện lý do chưa có hướng dẫn về thụ lý tranh chấp nợ hụi để từ chối thụ lý đơn khởi kiện của người dân là không chính đáng. Việc tranh chấp nợ hụi, nếu bên đòi nợ có trong tay giấy xác nhận nợ thì đây có thể là căn cứ để tòa án thụ lý vụ kiện (Tuy nhiên để có giấy xác nhận nợ cũng không phải dễ). TAND Tối cao cần nhanh chóng chỉ đạo các tòa án địa phương trong việc nhận đơn kiện về tranh chấp nợ hụi, tránh thiệt thòi cho đương sự.