Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tản mạn chuyện vật liệu lát vỉa hè

Chuyên gia Trần Huy Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở các TP giàu có tại Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... người ta dùng vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng để lát vỉa hè, vừa dễ duy tu, sửa chữa vừa bảo vệ môi trường.

Vì sao vỉa hè nhanh xuống cấp?

Từ năm 2017, sau khi một số quận của TP Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, hiện tượng nứt, vỡ, sụt, lún đã xảy ra ở một số nơi. Nhiều ý kiến đề cập đến các nguyên nhân nằm trong quá trình thi công (việc rải nền, trộn tỷ lệ xi măng, cát…); phân tích điểm yếu của đá tự nhiên là có vết rạn sẵn, nếu đầm nền không tốt sẽ dẫn đến lún, sụt, chỉ một thời gian ngắn đá có thể bị vỡ; rồi việc nhiều đoạn vỉa hè mới lát (chưa đủ 8 - 10 tiếng sau khi thi công) thì ô tô, xe máy đã lao lên. Có nơi người dân tự đục vỉa hè làm lối lên xuống; có nơi cho phép đỗ ô tô trên vỉa hè hoặc cho phép cạy vỉa hè lên để hạ ngầm đường dây, khi hoàn trả không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật…

Lát đá vỉa hè trên phố Giảng Võ. Ảnh: Thanh Hải
Lát đá vỉa hè trên phố Giảng Võ. Ảnh: Thanh Hải

Đến nay, khi vỉa hè trên nhiều tuyến phố lát đá tự nhiên đang xuống cấp nghiêm trọng, các nguyên nhân trên vẫn còn nguyên tính thời sự. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy có lẽ chưa thật đầy đủ và chưa mổ xẻ đến tận gốc rễ vấn đề vì kinh phí cho chương trình cải tạo, lát đá vỉa hè ở Hà Nội là một nguồn lực không nhỏ.

Ngoài kinh phí từ ngân sách, câu chuyện vỉa hè còn là mỹ quan đô thị, một phần của bộ mặt TP và gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Do vậy, đã đến lúc TP nên kiểm tra tổng thể chương trình cải tạo, lát đá tự nhiên ở vỉa hè và tìm giải pháp không để tái diễn tình trạng khiến người dân phàn nàn mới lát đã xuống cấp. Bên cạnh đó, TP cần công bố các việc vỉa hè nhanh xuống cấp, trước hết là những tuyến phố nào, chỉnh trang và lát đá tự nhiên trong những năm qua, tổng kinh phí bao nhiêu?...

Đặc biệt, đối với Sở Xây dựng – cơ quan được TP giao nhiệm vụ quản lý các hoạt động xây dựng đã có ý kiến tham mưu, đề xuất chuyên môn như thế nào? Sở KH&CN có ý kiến gì về tính chất của vật liệu, vật liệu đó thích hợp hay không cho việc lát đá vỉa hè? Sở TN&MT có ý kiến gì khi sử dụng vật liệu tự nhiên (đồng nghĩa với việc không sử dụng vật liệu tái chế mà khai thác tài nguyên thiên nhiên với khối lượng lớn để lát vỉa hè)?...

Mặt khác, nhiều thông tin phản ánh đá lát vỉa hè Hà Nội hiện nay gồm nhiều chủng loại khác nhau, trong đó đá tự nhiên là đá vôi, có đúng như vậy không? Vì vậy cần phải làm rõ nguồn gốc của vật liệu, câu trả lời cần được xác tín bởi các cơ quan thẩm định có trách nhiệm. Nhưng nếu dùng các loại đá có gốc từ đá vôi thì không nên vì vật liệu này ngậm nước, cường độ thấp, bị mài mòn do ma sát và thủy hóa... tạo thành rêu trơn, dễ vỡ vụn. Hơn nữa, trong trạng thái tự nhiên, đá vôi ngậm nước là thành phần địa chất phù hợp cho thực vật bám phủ trên cao, giữ đất mùn và qua đó tạo thảm thực vật chống sạt lở, tạo ổn định địa hình trước nguy cơ sạt trượt do mưa, lũ. Chúng ta nên hạn chế khai thác đá vôi tự nhiên, nhất là bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến khó lường như hiện nay.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Hằng ngày trên phố, chúng ta thấy nhiều nơi ô tô, xe máy đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, nhất là khu vực trung tâm. Ngân sách chi hàng tỷ đồng (bao gồm giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đường giao thông, duy tu bảo dưỡng hằng năm, cải tạo chỉnh trang vỉa hè…), để rồi cho một số đơn vị thu vài triệu đồng hoặc chỉ trăm nghìn đồng tiền gửi xe/m2/năm?

Đây rõ ràng là một bài toán dễ thấy sự lãng phí, chưa kể ô tô, xe máy đỗ trên vỉa hè cản trở người đi bộ và khiến vỉa hè nhanh xuống cấp, TP lại tốn tiền cải tạo.

Nhiều TP cổ đại xưa dùng đá lát tự nhiên lát đường khi chưa có vật liệu nhân tạo nhưng họ dùng loại đá rắn hoa cương, để nguyên viên hoặc sơ chế có độ nhám và độ rắn rất cao, hoặc dùng đá viên cắt gọt thành khối nhỏ10x10x10cm tận dụng trong khai thác đá khối, đá tấm, những viên nhỏ xếp chặt có rãnh thấm nước...

Khi công nghiệp vật liệu phát triển, các TP giàu có tại Nhật Bản, Bắc Mỹ, châu Âu dùng vật liệu tái sử dụng từ nghiền phế thải xây dựng để lát vỉa hè. Gần đây, họ còn dùng phế thải từ xỉ lò cao nhà máy nhiệt điện, luyện kim, chất thải công nghiệp... để làm vật liệu lát vỉa hè, lòng đường đô thị Việt Nam đã bắt đầu bước vào kinh tế tuần hoàn, Nhà nước đặc biệt quan tâm đên việc đẩy mạnh tái sử dụng toàn diện các phế thải, trong đó phế thải xây dựng, khai thác mỏ, sản xuất công nghiệp quy mô hàng triệu tấn/năm.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi ngày thải ra cả chục ngàn tấn, trong đó 98% có thể tái dụng được, đặc biệt 38% chất trơ (phế thải xây dựng). Vậy tại sao chúng ta cứ phải dùng đá tự nhiên, trong khi các loại vật liệu tái chế dễ thay thế và dễ duy tu, sửa chữa, mà không tàn phá môi trường tự nhiên? Hà Nội ta đang hướng tới xây dựng TP thông minh, hãy trở nên cẩn trọng hơn trước khi phá núi tự nhiên để lát vỉa hè để rồi mang đến nhiều hệ quả khôn lường.

Trong số hơn 1.000 tuyến phố tại Hà Nội, mỗi tuyến phố có một đặc trưng riêng, có tuyến phố thể hiện diện mạo mới hiện đại của Thủ đô nhưng cũng có tuyến phố cổ gắn với địa danh lịch sử. Vì vậy, cần phải nghiên cứu lát vật liệu nào cần gắn với hạ tầng kỹ thuật, mật độ dân cư đi lại. Vật liệu lát các tuyến phố phải đảm bảo phù hợp và được người dân tán thành, phải nghiên cứu phân loại tuyến phố để chỉ định được loại vật liệu thích hợp, chứ không phải áp đặt một loại vật liệu duy nhất cho các tuyến phố.