Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sáng ngày 16/5, UBND phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai thành lập tổ công tác kiểm tra xưởng sản xuất, lắp ráp xe ba gác, xe tự chế trên địa bàn.
Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện xưởng sản xuất của gia đình anh Tống Quang Trung có địa chỉ tại ngõ 47, đường Lĩnh Nam đang tiến hành sản xuất xe ba gác, xe tự chế.
Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng Ngô Mạnh Cường cho biết, tại thời điểm kiểm tra, anh Tống Quang Trung thừa nhận việc sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe ba gác, xe tự chế. Tuy nhiên, gia đình anh Trung không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc sản xuất của xưởng.
“Tổ công tác đã tiến hành tuyên truyền, lập biên bản, đình chỉ hoạt động đối với xưởng sản xuất của anh Tống Quang Trung, đồng thời yêu cầu thợ sửa chữa, lắp ráp rời khỏi nhà xưởng. Chúng tôi cũng đề nghị công an phường thường xuyên tăng cường, tuần tra, kiểm soát nếu có dấu hiệu vi phạm tương tự thì xử lý nghiêm” – ông Ngô Mạnh Cường thông tin.
Tuy nhiên, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn một số địa phương xuất hiện nhiều xưởng sản xuất xe tự chế quy mô lớn. Đơn cử, trên địa bàn thôn Hữu Từ, xã Hữu Hòa, Thanh Trì, một xưởng sản xuất với gần chục thợ đang miệt mài làm ra những chiếc xe tự chế.
Theo chủ của xưởng sản xuất này, mỗi ngày có thể hoàn thành 1 chiếc xe tự chế với giá dao động từ 30 - 60 triệu đồng tùy kích cỡ. Tại xưởng này, máy móc cũ ngổn ngang, đang được sửa chữa và thêm bớt bộ phận để có thể lắp vào những chiếc xe ba gác.
Trong kho của xưởng sản xuất, hàng chục chiếc khung xe, xe đã hoàn thiện được lắp đặt, chờ khách hàng đến lấy. Những bộ phận của chiếc xe, được thợ chế tạo theo kinh nghiệm mà không theo bất cứ một tiêu chuẩn an toàn nào.
“Hệ thống phanh xe được chúng tôi lấy từ ô tô, sau đó, chế tạo lại sao cho phù hợp với kích cỡ xe ba gác. Yên tâm, xe ở đây ra là an toàn, đẹp nhất khu vực. Tính riêng địa bàn quận Thanh Xuân và Hà Đông, xưởng nhà tôi đã bán khoảng 200 chiếc” – chủ cơ sở sản xuất này khẳng định.
Cũng tại một xưởng sản xuất xe tự chế khác nằm trên địa bàn xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, công nhân đang miệt mài chuẩn bị cho ra thị trường 4 chiếc xe ba gác.
Chủ cơ sở sản xuất này cho biết: “Muốn đặt xe phải chờ 20 ngày nữa, vì xưởng còn 10 đơn hàng chưa sản xuất kịp. Các bộ phận của xe tự chế đều được tháo lắp từ những chiếc ô tô xe máy hỏng”.
Theo chủ cơ sở sản xuất này, mặt hàng xe tự chế luôn đông khách, nếu muốn lấy xe phải đặt trước nhiều ngày. Giá mỗi chiếc xe khoảng 35 triệu đồng, có thể tăng hoặc giảm tiền tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Những xưởng sản xuất xe tự chế này "núp bóng" xưởng cơ khí, hoặc nằm trong ngõ nhỏ, không biển báo. Đa số khách hàng tìm đến đây đều từ "rỉ tai" nhau.
Không khó để có thể tìm ra một vài xưởng sản xuất xe tự chế qua cánh tài xế lái loại xe này trên đường phố Hà Nội.
Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1370/UBND-TH về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT.
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở GTVT và các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định.
Trong đó, lực lượng TTGT cần tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị đối với người, phương tiện tham gia giao thông; xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với xe thô sơ, xe ba bánh, xe tự chế hoạt động trên địa bàn.
Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hoá.