Tiên vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc mẹ mất, ba năm sau cha lấy vợ khác. 18 năm qua, cậu bé sống với người dì ruột đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình nuôi cháu ăn học, giờ đỗ thủ khoa. 35 gắn bó với nghề dạy học ở trường mầm non của xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, chưa bao giờ bà Hơn lại cảm thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc, thanh thản như những ngày này. Phạm Văn Tiên đỗ thủ khoa Khối C, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM với số điểm khá cao: Văn: 8,5 điểm, Địa: 8,5 và Sử: 9 điểm. Tiên cũng là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua của tỉnh Quảng Ngãi với tổng số 57 điểm. Suốt 12 năm phổ thông, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 10, Tiên giành huy chương vàng Olympic môn Lịch sử khu vực phía Nam. Lớp 11 và 12, cậu học trò đều đạt giải nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; năm lớp 12 đạt giải khuyến khích môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Những thành tích này của cậu học trò có công nuôi dưỡng rất lớn từ người dì ruột. Thắp nén hương lên bàn thờ em gái của mình, bà Hơn nghẹn ngào không thể nói nên lời. Suốt 18 năm qua, thương em gái bao nhiêu, bà giành tình yêu đặc biệt cho đứa con trai duy nhất của em để lại trên cõi đời. Mẹ của Tiên - em gái bà Hơn sau khi sinh con thì bị băng huyết, lìa đời lúc tròn 28 tuổi. "Thoạt đầu, tôi nghĩ cố gắng chăm cháu đến khi nó cứng cáp biết ngồi, biết đi thì giao lại cho cha cháu nuôi dưỡng. Nhưng rồi 3 năm sau mãn tang vợ, cha cháu lấy vợ khác. Thương thằng nhỏ mới vài tuổi đầu phải chịu cảnh bất hạnh, tôi nguyện sống độc thân thay thế em gái làm người mẹ nuôi nấng, lo cho Tiên ăn học đến nơi đến chốn", bà Hơn tâm sự. Nhiều lần bà con lối xóm động viên bà Hơn không chồng thì cũng "tự túc" đứa con để nuôi sau này được nhờ, dù sao con cũng hơn cháu. Thế nhưng bà lặng lẽ cười, ậm ừ cho qua chuyện. Trong những năm tháng khó khăn, với đồng lương ít ỏi giáo viên, bà Hơn chạy ngược, chạy xuôi một buổi đến trường, một buổi làm quần quật ngoài đồng vừa nuôi dưỡng mẹ già vừa mua sữa, thuốc men lo lắng cho cháu. Thiếu sữa mẹ, thuở nhỏ Tiên thường xuyên đau ốm, cơ thể tong teo, nhưng bù lại cậu bé có tư chất thông minh, nhanh nhẹn, say mê học tập. Càng lớn lên, cậu càng cảm nhận sâu sắc tình cảm của dì lớn lao khó gì sánh nổi với vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha và là người bạn bên cuộc đời mình. Nhiều lần, Tiên nghe bà ngoại kể, dì Hơn mới ngoài 30 tuổi đã bắt đầu nuôi nấng mình. Lúc ấy dì đẹp người, đẹp nết lại là giáo viên mầm non nên nhiều thanh niên muốn cưới làm vợ. Ấy vậy mà dì từ chối với lý do thật giản đơn: Sợ số phận đứa cháu của mình bơ vơ. Giờ đây mừng vui đứa cháu trai đỗ thủ khoa đại học nhiều bao nhiêu, lòng bà Hơn lại lo lắng, rối bời bấy nhiêu không biết lấy tiền đâu ra để cho ngày nhập học sắp tới. Bà nghĩ đến chuyện đến trụ sở UBND xã Hành Trung xin giấy để đi vay tiền cho cháu nhập học. Nhưng nhìn lại lâu nay bà là giáo viên mầm non, chính quyền địa phương có xác nhận hộ nghèo đâu mà xin giấy diện hộ nghèo vay tiền ngân hàng. Bà Hơn tính toán: "35 năm dạy học mầm non nhưng hiện tại lương của tôi chỉ có 3,5 triệu đồng. Ba năm học phổ thông, cháu Tiên trọ học ở trường chuyên THPT Lê Khiết TP Quảng Ngãi mỗi tháng đã chi phí mất 2 triệu đồng rồi, giờ vào đại học tại TP HCM thì chi phí chắc chắn cao hơn nhiều". Thấy dì lo âu, Tiên trấn an "vào đại học cháu vừa học vừa tìm việc gì đó làm thêm để đỡ đần cho dì". Mặc dù học giỏi đều các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn, nhưng Tiên quyết định thi duy nhất vào khối C trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cũng là để tiết kiệm chi phí cho dì. Tiên chia sẻ: "Dẫu em sinh ra không còn mẹ, ba lấy vợ khác, nhưng em còn may mắn hơn nhiều người khác vì có dì giàu lòng nhân hậu, giành trọn yêu thương cho mình". "Công ơn của dì khó thể nào đền đáp nổi. Em tự nhủ cố hết sức học tập thật tốt, sau này trở thành người có ích như tâm nguyện mẹ gửi gắm trước khi qua đời. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành nhà báo giỏi để mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người, nhất là những mảnh đời bất hạnh...", tân thủ khoa tâm sự.