Tân Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres: Sẵn sàng cho sứ mệnh mới

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lần đầu tiên tổ chức bầu chọn trực tiếp Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ), cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres luôn chứng tỏ mình là ứng viên mạnh nhất.

Và không nằm ngoài dự đoán, ông Guterres đã có đủ số phiếu ủng hộ để trở thành người kế nhiệm ông Ban Ki-moon.
 Trước đó, kết quả bỏ phiếu không chính thức hôm 5/10 của 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cho thấy, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đã nhận được được 13 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu trắng. Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft cũng gọi đây là một ngày quan trọng để Hội đồng Bảo an xích lại gần nhau, đoàn kết. “Điều mà chúng tôi đang tìm kiếm là một vị Tổng thư ký có năng lực, có khả năng đưa LHQ tiến thêm một bước trong vai trò lãnh đạo và là người tập hợp sức mạnh giải quyết nhiều vấn đề. Và tôi cho rằng ông Guterres đã hội tụ đủ những điều đó” - ông Rycroft nói.
 Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres trở thành tân Tổng thư ký Liên Hợp quốc.
Trong thời gian còn giữ vị trí người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Guterres (67 tuổi) đã để lại ấn tượng tốt đẹp khi góp phần giúp LHQ giải quyết nhiều “biến chứng” của cuộc khủng hoảng di cư. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đúng là “sự lựa chọn” tuyệt vời để trở thành người kế nhiệm Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Bởi, ông Antonio Guterres có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh và sự khôn khéo - những yếu tố cần thiết để “xoay chuyển” cục diện đối đầu giữa Nga và phương Tây, “hạ nhiệt” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay dàn xếp tình trạng gia tăng tranh chấp tại Biển Đông.
Tuy nhiên, vị trí Tổng thư ký LHQ luôn được đánh giá là công việc khó nhất thế giới và không phải chính trị gia nào cũng muốn tiếp nhận “chiếc ghế nóng” này. Ngoài việc giữ cho bộ máy cồng kềnh hoạt động trơn tru, Tổng thư ký còn phải đóng vai trò chính trong việc cân bằng lợi ích giữa các cường quốc. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, ông Guterres sẽ khó lòng tìm được tiếng nói chung giữa Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc về các vấn đề nóng. Ngoài ra, người đứng đầu LHQ cần thể hiện vai trò trong việc ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia hay “hạ nhiệt” các tranh chấp quốc tế.
Đối với cuộc khủng hoảng người di cư, giới chuyên gia kỳ vọng, ông Guterres sẽ sử dụng những kinh nghiệm của mình để vận động và thuyết phục các quốc gia trên thế giới chấp nhận dòng người tị nạn đang gia tăng. Với “chảo lửa” Trung Đông, nhiều nhà phân tích cho rằng, LHQ phải đóng vai trò chính trong các cuộc đàm phán hòa bình, giúp “hạ nhiệt” tình hình bất ổn tại khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tân Tổng thư ký LHQ cần phải giải quyết nhiều “hồ sơ nóng” như nội chiến Syria, giám sát thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, bất đồng giữa các quyền lực trong khu vực… Quan trọng là thực thi có hiệu quả lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng khi nước này vẫn “ngoan cố” trong việc thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Với thời gian 5 năm cho một nhiệm kỳ, ông Guterres có tối đa 10 năm để thể hiện vai trò và giúp thế giới ổn định hơn trên cương vị người đứng đầu LHQ. Dẫu biết sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng cộng đồng quốc tế kỳ vọng, với kinh nghiệm và bản lĩnh của một chính trị gia kỳ cựu, ông Guterres sẽ hoàn thành sứ mệnh mới là chèo lái thành công con tàu LHQ vượt qua những thách thức và lấy lại được vị thế vốn có.

 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần