Tản Viên Sơn nên là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ vọng núi Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam) sẽ được truyền thông văn hóa như Thái Sơn (Trung Quốc), Olympia (Hy Lạp), Đại Phú Sĩ (Nhật Bản)… là việc nên làm.

Bởi vì huyền tích vùng Ba Vì đặc biệt là núi Tản Viên chỉ cho ta một mỏ vàng văn hóa hàm lượng rất cao nhưng hình như chúng ta chưa chắt lọc và tôi luyện được thành những thỏi vàng óng ánh.

Núi Tổ của Việt Nam

Trong kho tàng ca dao dân ca người Việt sưu tầm cho đến nay, có 11 bài mở đầu bằng “Nhất cao”, trong đó Ba Vì - Tản Viên chiếm tới 7 bài. Một con số ấn tượng. Dẫu biết là sưu tầm thì không thể là đầy đủ tuyệt đối cũng như hai chữ “nhất cao” chỉ là một so sánh tương đối, có thể trong một vùng miền cụ thể. Nhưng với núi Ba Vì, “nhất cao” nằm trong tương quan dân tộc, tương quan quốc gia, tương quan lịch sử. Tâm thức cộng đồng, với trải nghiệm trường tồn, đã liên tục dựng xây và khẳng định nó như một biểu tượng quan trọng bậc nhất của lịch sử.

Đỉnh non Ba Vì - nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Ảnh: Lê Phượng
Đỉnh non Ba Vì - nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Ảnh: Lê Phượng

Thế kỷ XV, trên đỉnh cao của sự phát triển quốc gia Đại Việt, với tinh thần dân tộc mạnh mẽ nhất, Nguyễn Trãi, nhà văn hóa thế giới, bằng nhãn quan lịch sử sâu sắc của mình, trong tác phẩm địa lý - lịch sử Dư địa chí, đã khẳng quyết: “Tản Viên là tên núi, núi có ba ngọn cao chót vót, hình như cái tán vì thế mới gọi là Tản Viên. Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”. Lời khẳng quyết này là một trong rất nhiều định đề, như những chân lí, về văn hóa mà Nguyễn Trãi anh minh đã để lại cho chúng ta. Tính biểu tượng của Ba Vì được khẳng định ở tầm độ trí tuệ cao nhất, ở tình cảm ái quốc sâu đậm nhất.

Nhân dân ta đã xây dựng được trong tiến trình lịch sử một biểu tượng trọng đại: Núi Ba Vì. Cũng như Olympia của Hy Lạp, Thái Sơn, Ngũ Nhạc của Trung Hoa, Đại Phú Sĩ Sơn của Nhật Bản…, mỗi nền văn minh có những biểu tượng núi thiêng như là thương hiệu lịch sử, thương hiệu văn hóa của chính mình.

Biểu tượng tỏa rộng qua từng thời kỳ

Trong trường kỳ lịch sử, vào những thời kỳ xa xưa nhất, chúng ta khó lòng biết được người Việt cổ đã xây dựng biểu tượng núi Ba Vì như thế nào, nhưng với những nghiên cứu khảo cổ học, lòng đất quanh núi Ba Vì cho ta những cứ liệu, những hiện vật, những di chỉ văn hóa thuộc thời đại đá cũ, thuộc sơ kỳ đồng thau, thuộc văn hóa khảo cổ học Đông Sơn phân bố rộng rãi. Điều có thể khẳng định là từ 2 vạn năm trước đã có con người chiếm cư ở đây, từ 4.000 năm trước, người Việt cổ đã định cư, từ 2.700 năm trước, tính chất bộ lạc đã phát lộ ở cư dân xứ Đoài này, góp phần cơ bản tạo nên quốc gia Văn Lang trong huyền sử.

Vào đầu kỷ nguyên, nổi lên cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (39 - 42 SCN) mà trung tâm là Mê Linh, địa bàn nằm giữa Tam Đảo và Ba Vì, và không gian chính vẫn là các bộ lạc chung quanh vùng thềm trước của Ba Vì với Hát Giang lịch sử. Sự kết hợp với bộ Chu Diên cho chúng ta thấy quá trình liên minh bộ lạc đã là một thực tế sinh động để chống lại sự xâm lăng của phương Bắc, lúc đó đã phát triển quốc gia phong kiến mạnh mẽ. Cũng chưa có tài liệu chắc chắn để ta nói về việc xây dựng biểu tượng Ba Vì trong thời gian này, nhưng việc vùng này trở thành trung tâm của cuộc khởi nghĩa thì việc hướng về Ba Vì của các vùng khác chắc chắn là có thực. Bản đồ các di tích thờ tự Hai Bà ở vùng lõi có mật độ cao hơn. Tâm lý ngưỡng vọng hướng về Hai Bà cũng là hướng về những đỉnh cao vời vợi của Ba Vì.

Giữa thiên niên kỷ thứ nhất, hào trưởng Lý Bí nổi lên chống ách đô hộ nhà Lương giành thắng lợi và nhà nước Vạn Xuân ra đời (542 - 602). Nước Vạn Xuân khẳng định xu hướng rõ ràng trong việc xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập ở lưu vực sông Hồng, phân biệt với Trung Hoa phía Bắc và Lâm Ấp ở phía Nam. Lý Nam Đế giải phóng trị sở Long Biên (Thuận Thành, Bắc Ninh), xây Tô Lịch giang thành ở cửa sông Tô. Ý thức quốc gia đã rõ ràng và rộng mở. Lúc này Ba Vì bắt đầu được ý thức như là núi tổ hướng chính Tây đổ bóng xuống trung nguyên. Là người đã từng làm quan cho trị sở Giao Châu, được sử kí cho là văn võ song toàn, chắc chắn Lý Nam Đế có nhiều tri thức về địa lí. Thiên văn và địa lí là tri thức không thể thiếu của người đứng đầu quốc gia.

Lĩnh Nam chích quái, một kỳ thư của thời kỳ Đại Việt ghi về Tản Viên Sơn thần có kể chuyện Cao Biền, cuối thế kỷ IX, trấn yểm thần bị thất bại. Lời than của Cao Biền không thể gì khác hơn sự thừa nhận tính thiêng của biểu tượng này. Truyện viết: “Biền đem thuật đó để yểm thần núi Tản Viên, thì thấy thần cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt xuống rồi bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được, vượng khí đời nào hết được!”. Lúc này, biểu tượng núi Ba Vì đã tỏa rộng: Linh khí của phương Nam.

Ngô Quyền, năm 938, chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, định đô ở Cổ Loa. Những định vị địa lý cho một kinh đô lộ diện với các cột mốc được xác định. Lăng mộ Ngô Quyền ở Đường Lâm được chọn nhằm hướng chính Tây của Cổ Loa theo truyền thống Phật giáo là hướng về đất Phật tây vực. Phía Đông, thẳng qua Trâu Sơn, có chùa và cột đá Cựu Tự, nhằm thẳng đỉnh núi Phượng Hoàng ở Chí Linh, phía Bắc chắc chắn là Sóc Sơn, nơi mà nhà sư hoàng tộc Ngô Chân Lưu - Khuông Việt sẽ trấn trụ. Dù phía Nam ta chưa khẳng định được nhưng với cách định hướng đó thì Ba Vì sẽ là núi thiêng ở hướng Tây. Lúc này, núi Ba Vì chắc chắn đã được xác định như một biểu tượng thiêng liêng tầm cỡ quốc gia.

Nhà Lý lên ngôi và dời đô về Thăng Long. Ý thức địa lí văn hóa cho Kinh thành nâng lên một cấp độ cao hơn rõ rệt và Ba Vì là một biểu tượng được thờ tự với chứng cớ rõ ràng.

Trước hết phải nói đến tư tưởng của bậc đại sư Lý Vạn Hạnh. Là người kiến lập nên triều đại nhà Lý, Vạn Hạnh thiền sư đã nhìn nhận địa thế quốc gia bằng tri thức địa lý sắc sảo. Sách Thiền uyển tập anh, kể lại chuyện nhà sư đến mộ Hiển Khánh Vương trên đất Hoa Lâm (Đông Anh, Hà Nội) đã xác định không gian Đông - Tây - Nam - Bắc bằng bốn bài kệ nổi tiếng, trong đó, hướng Tây được xác định bằng Tản Viên sơn - Ba Vì: Tây vọng viễn vọng khan thiên trụ.

Ba Vì được xác định như là cột chống trời, trấn lĩnh một phương. Với tư duy đó, chính Vạn Hạnh là người có công hoạch định kinh đô Thăng Long tại vị trí thủ đô hiện nay. Lý Nhân Tông đã truy tán thiền sư, cũng là để ghi nhận công lao đó: Hương quan danh Cổ Pháp/ Trụ tích trấn vương kỳ.
Tế vọng các danh sơn

Trụ tích là chống cây gậy nhà sư, nghĩa Phật học của nó là dựng chùa, tạo đất Phật. Trấn vương kỳ là dựng kinh đô nhà Lý. Việt sử lược ghi sự kiện năm 1016: Năm Bính thìn, hiệu Thuận Thiên năm thứ 7… Động đất. Tế vọng các danh sơn.

Cách làm của Lý Thái Tổ đúng là cách lập đàn xã tắc (rưới rượu xuống đất lập thủy đàn) để tế vọng DANH SƠN. Đây là lần thứ hai hoàng đế lập đàn. Nếu lấy núi Nùng trung tâm Thăng Long kéo một đường thẳng lên đỉnh cao nhất của Ba Vì thì sẽ đi qua đội đồng Xa Đống gần bến đò Cổ Sở xưa, đó là nơi Lý Thái Tổ lập đàn thờ vọng.

Triều đại nhà Lý cũng lần đầu tiên xây dựng đền thờ thần núi Tản Viên. Dư địa chí chép: “Thần núi Tản Viên gọi là Trụ quốc đại vương, linh hiển có tiếng. Nhân Tông triều Lý sai thợ làm đền thờ trên ngọn núi thứ nhất, có lầu 20 tầng…”. Rõ ràng, với triều đại nhà Lý, biểu tượng Ba Vì đạt đến đỉnh cao nhất của giá trị cao quý và thiêng liêng. Gọi núi là Trụ Quốc thì đó chính là biểu tượng cho sự vững vàng, trường tồn của quốc gia.

Các triều đại Trần Lê tiếp tục cúng tế và xây dựng biểu tượng này trở nên linh thiêng trong lòng dân tộc độc lập. Ý thức quốc gia qua biểu tượng này càng rõ trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái. Là một trong 50 người con theo cha về biển, “Thần từ thủy quốc về đất liền theo con đường từ cửa Thần Phù, tìm chỗ sinh sống ở nơi cao ráo, thanh tịnh, dân chúng chất phác, phong thổ hiền hòa…”. Rõ ràng ở đây, ý thức về địa vực quốc gia cổ được những nhà ghi chép thể hiện, vì Thần Phù là cửa bể ở Ninh Bình, Thanh Hóa, cuối đồng bằng Bắc Bộ.

Nguyễn Tông Quai, đời hậu Lê, khi chú sách Dư địa chí chép: “…Người đời Thanh nói, Tản Viên đại vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng thiên vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng tử nhà họ Chử gậy nón lên trời, Ninh Sơn Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An Nam tứ bất tử vậy”.

Đến đây, Tản Viên đã được tôn vinh là một trong bốn vị thánh bất tử của Việt Nam. Tản Viên được đặt ở hàng đầu tiên. Các triều vua nhà Nguyễn không ngừng tu bổ tôn tạo các đền miếu, các di tích và ban sắc phong cho các vị thần chung quanh Tản Viên Sơn thánh, mở rộng hình tượng và truyền thuyết thờ tự, tạo nên một độ dày tư liệu đáng kể cho biểu tượng Ba Vì.

 

Triều đại nhà Lý cũng lần đầu tiên xây dựng đền thờ thần núi Tản Viên. Dư địa chí chép: “Thần núi Tản Viên gọi là Trụ quốc đại vương, linh hiển có tiếng. Nhân Tông triều Lý sai thợ làm đền thờ trên ngọn núi thứ nhất, có lầu 20 tầng…”. Rõ ràng, với triều đại nhà Lý, biểu tượng Ba Vì đạt đến đỉnh cao nhất của giá trị cao quý và thiêng liêng. Gọi núi là Trụ Quốc thì đó chính là biểu tượng cho sự vững vàng, trường tồn của quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần