Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng 3% trở lên, EVN muốn điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi giá bình quân tăng từ 3%, EVN đồng ý phương án điều chỉnh ba tháng một lần nhưng đề xuất sửa chi phí cấu thành tính giá bình quân.

Tập đoàn Điện lực (EVN) vừa có văn bản góp ý về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gửi Bộ Công Thương.

Công nhân ngành điện đang kiểm tra kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân ngành điện đang kiểm tra kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Anh

Điều chỉnh tăng hoặc giảm trong khung giá

Tại văn bản này, EVN cho biết, trước đó đã nhận được Công văn số 4583 và Công văn số 5297 của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Văn bản nêu rõ, thống nhất với các nội dung dự thảo Quyết định sau khi hiệu chỉnh như tinh thần đã trao đổi tại cuộc họp ngày 7/8 giữa Cục Điều tiết điện lực và EVN. Theo đó, hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm của tập đoàn, giá bán điện bình quân năm được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, đồng thời EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát…

Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Dự thảo cũng đề xuất cho phép EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định.

“Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - dự thảo đề xuất.

Điểm mới về thẩm định giá điện

Theo dự thảo, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý II, quý III và quý IV, EVN xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm để tính toán lại giá bán điện bình quân.

Công nhân EVN kiểm tra kỹ thuật đảm bảo cung cấp điện. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân EVN kiểm tra kỹ thuật đảm bảo cung cấp điện. Ảnh: Hoàng Anh

Điểm mới trong quy định về kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, với sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, các cơ quan Nhà nước và các hiệp hội có liên quan. Bộ Công Thương cũng được mời tư vấn độc lập để thẩm tra.

Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên. Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương công bố công khai kết quả kiểm tra. Kết quả kiểm tra được công bố công khai trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân. Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân.

Tổng cục thống kê có trách nhiệm đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đến các chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và tổng sản phẩm quốc nội.

Bàn về vấn đề, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân nhìn nhận, theo phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương đề nghị, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đề nghị tăng hay giảm giá điện...

Tại dự thảo này, theo bà Trịnh Thị Ngân nên được áp dụng đúng. "Tham vọng của các nhà quản lý là muốn đưa mặt hàng điện điều tiết theo thị trường, theo tín hiệu thị trường. Chỉ cần làm đúng quy định này là ổn, tránh sự xáo trộn, hoang mang cho người dân, doanh nghiệp” – bà Trịnh Ngân nêu quan điểm.

Đồng thời cho rằng, vấn đề tăng giảm giá điện để doanh nghiệp chủ động được việc tính chi phí vào giá thành sản phẩm ổn định. Với việc phân cấp sẽ chủ động cho ngành điện vì độ trễ về mặt chính sách sẽ không xảy ra nữa. Doanh nghiệp sẽ chủ động tăng, giảm giá thành của sản phẩm, dịch vụ. Còn với người tiêu dùng, giá điện điều chỉnh vẫn trong khung giá sẽ không gây ra sự biến động quá lớn.