Tăng 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong 2 tháng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, dự trữ ngoại hối tăng nhờ tỷ giá ổn định và việc bơm hút tiền nhịp nhàng.

Báo cáo trước phiên họp Chính phủ sáng 28/2, Thống đốc cho biết, nguyên nhân dòng ngoại tệ được đổ mạnh về kho là tỷ giá tương đối ổn định. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa hút ngoại tệ vừa cung ứng một lượng tiền mặt ra nền kinh tế để đảm bảo thanh khoản. Số tiền được bơm ra trong tháng một lên tới 150.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực của năm nay là dù thanh khoản khá tốt, các ngân hàng không dùng số tiền thừa này để “buôn” ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối.

 
Dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Anh Quân.
Dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Anh Quân.
Về tình hình lãi suất, Thống đốc Bình khẳng định, trong năm 2014, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2%/năm. Cơ sở được ông Bình đưa ra là thời gian qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt; sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đảm bảo giữ cho tỷ giá ổn định, lãi suất huy động cho vay ở mức rất hợp lý.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện tại là nguồn tín dụng vẫn bị ách tắc khi tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 1,6%. Trong khi đó, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng tăng 0,83%.

Trước khó khăn này, ông Bình kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ, khơi thông tín dụng. Trên cơ sở thanh khoản, lãi suất giảm, NHNN có thể thiết kế thêm một chương trình hỗ trợ cho tam nông. Theo đó, ngân hàng sẽ dành ra một khoản tiền nhất định để thí điểm cấp tín dụng phục vụ cho lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nông thôn; tín dụng cho các mô hình sản xuất mới, tăng trưởng xuất khẩu trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hiện lãi suất cho vay dành cho các hộ nghèo vẫn còn khá cao, vì vậy trong thời gian tới NHNN chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội, cùng các Bộ, ngành tập trung hỗ trợ cho khu vực này, tăng hạn mức tín dụng, kéo dài thời hạn vay và giảm lãi suất để hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Giải pháp then chốt sắp tới, theo ông Bình cần có sự liên kết cho vay giữa ngân hàng – doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thông qua các hợp đồng cho vay liên kết chặt chẽ. Chương trình này chỉ cho vay một lần từ doanh nghiệp xây dựng vật liệu trở đi. Sắp tới NHNN sẽ phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM để triển khai thí điểm tại TP HCM.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần