Tăng cường bảo vệ vật tư, thiết bị trên công trường metro Bến Thành-Suối Tiên

Khải Hòa/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các nhà thầu dự án tuyến metro số 1 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên) về tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn vật tư thiết bị trên công trường đang thi công.

 

Hai đoàn tàu metro số 1 tại depot Long Bình bị bôi bẩn. ẢNH: T.T.). 
Hai đoàn tàu metro số 1 tại depot Long Bình bị bôi bẩn. ẢNH: T.T.). 

Theo đó,  Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án) nhận được thông tin về tình trạng mất mát một số vật tư phụ trên đường ray. Đặc biệt, ngày 11/6 vừa qua nhận được hình ảnh chụp đoàn tàu số 13 và 14 của nhà thầu Hitachi đang lưu trữ tại depot Long Bình bị vẽ phun sơn (graffiti).

Chủ đầu tư đề nghị các nhà thầu tăng cường công tác an ninh và bảo vệ vật tư, thiết bị đang lưu trữ hoặc đang thi công lắp đặt ở công trường, tránh bị mất cắp hay phá hoại trong tương lai.

Trong khu vực depot Long Bình và các nhà ga, nơi tập trung nhiều vật tư, thiết bị, các nhà thầu xem xét gắn camera an ninh để theo dõi, giám sát trong quá trình thi công, lắp đặt và hỗ trợ công tác bảo vệ.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu công ty Hitachi nhanh chóng nộp báo cáo, đánh giá mức độ hư hỏng thực tế và đề xuất giải pháp khắc phục tình hình sau sự cố đoàn tàu số 13 và 14 bị vẽ tranh phun sơn. Sau khi nhận được báo cáo đánh giá và kế hoạch khắc phục từ công ty Hitachi, đề nghị Liên danh NJPT (tư vấn chung) xem xét và đề xuất ý kiến cho chủ đầu tư.

Giữa tháng 5/2022, Công ty TNHH xây dựng Chan Chun, nhà thầu thi công đường ray thuộc gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) của dự án metro Bến Thành-Suối Tiên cũng có báo cáo gửi công an TP Hồ Chí Minh về việc mất cắp khóa kẹp ray tàu.

Theo nhà thầu Chan Chun, công ty đã bị mất cắp hơn 13.000 khóa kẹp ray tàu trong tổng số hơn 20.000 khóa kẹp (ước tính khoảng 2/3 khóa). Nhà thầu bắt đầu xây dựng đường ray từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Từ tháng 11/2021, công ty không làm việc trong khu vực này, nhưng các nhà thầu khác vẫn làm việc. Phía trên đường ray có lắp các tấm thép để phương tiện của nhà thầu khác di chuyển thuận lợi.

Đây là khu vực thi công và vận hành thiết bị đường sắt nên phải có giấy phép mới được vào. Ngày 10/5, nhà thầu Chan Chun kiểm tra hiện trường và phát hiện các khóa kẹp ray tàu bị mất, chỉ còn sót lại một ít trên đường ray.