Đại tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk cho biết, từ khi nghị định thư về xuất khẩu quả sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc được ký kết, đến nay đã có nhiều mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) kiểm tra và xác minh, trong đó có nhiều mã tại Đăk Lăk.
Ngoài ra, tình hình trộm cắp sầu riêng, bẻ cọc, bỏ vườn… diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giá sầu riêng tăng cao. Tình hình nợ tiền của một số đơn vị thu mua đối với thương lái dẫn đến có đơn thư tố cáo, tập trung đông người đòi tiền tại trụ sở doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023 (vụ mùa sầu riêng tại Đắk Lắk), số lượng người nước ngoài đến Đắk Lắk là 14.484 lượt người, phần lớn trong số đó là người mang quốc tịch Trung Quốc với 5.569 lượt người. Nhiều thời điểm giá ký kết thu mua cao đột biến, gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, qua rà soát phát hiện đa số các doanh nghiệp lớn có hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng đều có yếu tố người nước ngoài, được thương lái người nước ngoài đầu tư, góp vốn để thành lập doanh nghiệp, mua đất xây dựng kho, xưởng hoặc thuê kho, xưởng phục vụ thu mua, xuất khẩu sầu riêng.
Cũng theo Đại tá Hiếu, doanh nghiệp và người dân vùng trồng sầu riêng chưa nhận thức việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đối với ngành nông sản Việt Nam nói chung, ngành sầu riêng nói riêng, dẫn đến có thể vi phạm quy định trong Nghị định thư đã ký kết giữa hai nướcViệt Nam và Trung Quốc như: Vi phạm vùng trồng thuần; không đảm bảo đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, nghiêm cấm; gian lận thương mại gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sầu riêng Việt Nam… Đây đều là lý do phía Trung Quốc có thể thu hồi mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, cấm nhập khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu quan trọng này trong thời gian tới.
Vì vậy, để chủ động trong công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động thu mua và xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ tếp tục tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động cấp, quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh. Công an sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý ngay từ cơ sở các thông tin, vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.Cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra lưu trú, hướng dẫn các cơ sở lưu trú chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài đến lưu trú; tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các kho, xưởng thu mua sầu riêng trên địa bàn.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mà các loại tội phạm, đặc biệt là các đối tượng hình sự lợi dụng vào việc thu hoạch, mua bán sầu riêng của người dân và các thương lái để thực hiện hành vi như : Trộm cắp, bảo kê dắt mối thu phí, ép giá người dân và thương lái …Các lực lượng Công an cấp cơ sở cần đẩy mạnh công tác truyên truyền phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm này để người dân nêu cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa bảo vệ tài sản và tích cực tố giác tội phạm. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng; tổ chức tuần tra đảm bảo ANTT… Đồng thời xây dựng kế hoạch, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các loại tội phạm, đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn.
Đắk Lắk hiện có 68 vùng trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số với tổng diện tích khoảng 2.521ha; có 23 mã cơ sở đóng gói. Ngoài ra, hiện đang có khoảng 147 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 3.500ha và 3 cơ sở đóng gói đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra để cấp mã số.
Dự báo năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đạt 34.000 - 35.000ha, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đến hết quý I/2024 đạt gần 253 triệu USD (57.000 tấn), tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, sầu riêng Đăk Lăk đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong năm 2023 đạt khoảng 40 - 45 nghìn tấn, giá trị khoảng 150 – 160 triệu USD. Giá sầu riêng tăng cao so với trước đây là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng sầu riêng, tuy nhiên diện tích sầu riêng tăng ồ ạt như hiện nay không theo định hướng, khuyến cáo của cơ quan lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định cho ngành hàng sầu riêng, như: cung vượt quá cầu, dư thừa sản lượng; một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới sẽ gây thiệt hại về năng suất và chất lượng sầu riêng của tỉnh; việc tăng diện tích ở những vùng không phù hợp đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch của một số cây trồng khác…