Quan tâm hơn ý kiến của người dân
Tại buổi tọa đàm về các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra mới đây, đại diện Landa kiến nghị, việc lấy ý kiến trực tiếp của người bị thu hồi đất đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tổ chức bằng các hình thức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi. Đối với các nhóm người yếu thế như phụ nữ, người nghèo và người dân tộc thiểu số, Landa cho rằng, cần có những cách thức lấy ý kiến theo các nhóm riêng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tài liệu lấy ý kiến phải được chuẩn bị bằng cả tiếng dân tộc thiểu số.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, pháp luật Việt Nam nói chung, đặc biệt pháp luật về đất đai chủ yếu quan tâm nhiều hơn đến vai trò quản lý của Nhà nước mà chưa quan tâm sát sao đến sự tham gia của người dân. Dự thảo Nghị định vẫn còn thiếu nhiều nội dung cụ thể hướng dẫn việc lấy ý kiến của người dân. Dù có chủ trương đúng, nhưng khi không cụ thể hoá được bằng các quy định, điều luật khả thi thì chủ trương sẽ chỉ trở thành "khẩu hiệu".
Đề cao sự đồng thuận
Tăng cường tính đồng thuận giữa chính quyền và người bị thu hồi đất thông qua đối thoại giữa các bên liên quan là một yêu cầu cần thiết để làm “mềm” quá trình chuyển dịch đất đai bắt buộc theo quyết định của Nhà nước. Khi tổ chức tốt quá trình đối thoại thì những xung đột phát sinh về lợi ích giữa các bên sẽ giảm đi và tính đồng thuận sẽ tăng lên, vừa giảm được nguy cơ tham nhũng, vừa giảm được khiếu kiện của người có đất bị thu hồi.
Ông Bùi Khắc Vư - Trưởng nhóm nghiên cứu các kiến nghị về đất đai của Landa nhận xét, trong thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tổ chức khá tốt việc đối thoại giữa chính quyền và người dân về việc Nhà nước thu hồi đất gắn với quy hoạch lại TP và giải quyết tái định cư theo quy hoạch. Lượng khiếu kiện của người dân về đất đai cũng ít hơn khi TP đã tổ chức tái định cư cho người dân ở nhiều khu phố lớn. TP Đà Nẵng đã có một quy hoạch mới hướng tới hiện đại mà chỉ cần sử dụng nội lực từ đất đai. Đây là những kinh nghiệm để nhân rộng mô hình thu hồi đất theo quy hoạch.
TP Hồ Chí Minh cũng thành công khi thực hiện thu hồi đất theo dự án dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa nhà đầu tư và những người bị thu hồi đất. Theo đó, trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư sẽ bắt buộc phải sử dụng dịch vụ định giá đất độc lập để xác định giá đất phù hợp, lập Hội đồng thẩm định giá để xem xét đưa ra giá đất đã được thẩm định và trình UBND TP quyết định giá đất sẽ áp dụng khi thu hồi. UBND TP cũng khuyến khích các nhà đầu tư tự nguyện thực hiện quá trình đối thoại với những người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, mô hình áp dụng tại Đà Nẵng khó nhân rộng vì không nhiều tỉnh, thành có được những điều kiện hấp dẫn, quỹ đất đẹp. Còn cách làm của TP Hồ Chí Minh, dù chưa chuẩn luật nhưng khá khả thi trong áp dụng vì vẫn gắn được trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề tái định cư cho người có đất bị thu hồi. GS Đặng Hùng Võ cũng mong muốn, "cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất sẽ tốt hơn hoặc ít nhất cũng phải bằng nơi ở cũ".
Việc thu hồi đất phải đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Ảnh: Quỳnh Linh
|
Dự thảo Nghị định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sẽ quy định cụ thể, đầy đủ các hình thức hỗ trợ như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm... Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất. Các quy định này sẽ bảo đảm việc bồi thường đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng; hạn chế những bất cập về chênh lệch giá đất tính bồi thường và hỗ trợ giữa các vùng miền khác nhau trên cả nước. Ông Nguyễn Mạnh Hiển Thứ trưởng Bộ TN&MT |